Xem Nhiều 3/2023 #️ Phân Tích Bài Thơ “Thương Vợ” Của Trần Tế Xương. # Top 10 Trend | Anhngucongdong.com

Xem Nhiều 3/2023 # Phân Tích Bài Thơ “Thương Vợ” Của Trần Tế Xương. # Top 10 Trend

Cập nhật thông tin chi tiết về Phân Tích Bài Thơ “Thương Vợ” Của Trần Tế Xương. mới nhất trên website Anhngucongdong.com. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất.

Một nửa thế giới là phụ nữa. Song, nửa còn lại chưa chắc đã thấu hiểu hết tâm tư, tình cảm của họ. Không chỉ cần cù, chăm chỉ, người phụ nữ Việt Nam còn có một tấm lòng thủy chung son sắt, đức hy sinh cao cả. Viết về mảng đề tài này, không thể không kể đến Tú Xương với bài thơ “Thương vợ”. Nhẹ nhàng mà sâu sắc, tác giả thực đã mang đến những đồng cảm sâu sắc nơi độc giả.

Có thể thấy qua các sáng tác của Tú Xương một sự tài tình trong cách thể hiện tác phẩm, một tấm lòng nồng nàn suốt đời dành cho người, cho dân tộc. Xuân Diệu xếp Tú Xương thứ 5 sau ba thi hào dân tộc (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương) và Đoàn Thị Điểm. Ðặng Thai Mai khen Tú Xương là “Thầy Tú biết cười”. Nguyễn Tuân biểu dương Tú Xương là một người thơ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam. Nhưng có lẽ, suy tôn ông là “bậc thần thơ thánh chữ” như Nguyễn Công Hoan thì mới xứng đáng với thi tài của một tâm hồn đầy nhân bản, một tấm lòng nghệ sĩ đôn hậu thủy chung nơi ông.

Văn chương toàn những “trang hoa, tờ hoa” thế nhưng ai biết rằng Tú Xương từng có một cuộc đời vô cùng bất hạnh. Ông cưới vợ rất sớm, bà Phạm Thị Mẫn, một cô gái quê, có với nhau 8 người con – 6 trai và 2 gái. Nhà nghèo, con đông, nghề dạy học của ông lại bấp bênh trong thời kỳ Nho học suy tàn nên mọi chi tiêu trong gia đình đều do một tay bà Tú quán xuyến. Bà được xem là một phụ nữ tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam xưa: tần tảo, thương chồng, thương con, nhẫn nại quên mình… Chính bà đã gợi cảm hứng cho Tú Xương viết bài thơ này, như một lời thú nhận, cũng là bài ca ca ngợi đức hạnh tuyệt đẹp của người vợ nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói riêng.

Mở đầu bài thơ, tác giả hé lộ hoàn cảnh gia đình và công việc của người vợ:

Quanh năm buôn bán ở mom sông Nuôi đủ năm con với một chồng.

Ngay cụm từ đầu tiên đã cuốn hút người đọc nhiều suy ngẫm. Ta hiểu người vợ làm công việc “buôn bán”. Cái đáng khâm phục ở chỗ, bà làm “quanh năm”, nghĩa là thường xuyên như một thói quen không thể phá bỏ. Chi tiết gợi đến sự tần tảo sớm hôm “một nắng hai sương”, cần cù lao động nuôi gia đình. Nhưng điều đáng nói hơn là nơi “buôn bán” của bà không phải ở chợ mà là ở “mom sông”. “Mom sông” trước hết gợi ra cái thế chông chênh, nhỏ bé. Không phải “ven sông, bờ sông” mà là “mom sông”- cái nơi có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Hơn nữa, cụm từ còn gợi cho ta cái cảm giác heo hút, lạnh lẽo, vắng vẻ. Điều đó cho thấy sẽ có rất ít khách tới mua hàng của bà. Thế nhưng số ngày người vợ, người mẹ đi làm là “quanh năm”, đủ để thấu rõ được sự cần cù, chịu thương chịu khó, cũng là sự bền bỉ, dẻo dai, kiên trì của bà. Sâu xa hơn, ta còn thấy đằng sau đó là một niềm tin, niềm hy vọng không bao giờ vơi cạn trong trái tim người phụ nữa. Bởi nếu để cho cái tuyệt vọng, “cùng đường tuyệt lộ” tìm đến mình, làm sao bà có thể kiên trì đi làm suốt “quanh năm”?

Câu thơ thứ hai là lời bộc bạch chân thành từ phía tác giả. Ông cho thấy mục đích quan trọng nhất, cũng là động lực to lớn thúc đẩy sự bền bỉ của người vợ, đó là gia đình: “Nuôi đủ năm con với một chồng”. Không phải ai khác mà chính là người vợ, chỉ mình người vợ tàn tảo sớm hôm nuôi gia đình. Cách sử dụng số điểm “năm con, một chồng” như thể nhà thơ đang liệt kê sức nặng đè lên đôi vai nhỏ bé của vợ mình. Đó cũng chính là nỗi hổ thẹn của nhà thơ khi không giúp ích được cho gia đình, đành ngậm ngùi để người phụ nữ vất vả dầm mưa dãi nắng. Nếu nhìn kĩ ở “bề sau, bề sâu, bề xa” có thể thấy toàn bộ câu thơ dồn đọng ý nghĩa trong từ “đủ”. Một thân một mình nuôi chồng, nuôi con nhưng bà vẫn có thể nuôi ‘đủ”. Câu thơ vang lên như một lời trách mình, nhưng cũng là lời biết ơn to lớn đối với công lao của người vợ.

Đến những câu thơ tiếp theo, ta càng thấm thía hơn nỗi khổ cùng sự bền bỉ trước những khó khăn trong cuộc đời mình:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Có người nói thơ ca Tú Xương đậm cốt cách dân tộc. Tôi cho rằng ý kiến đó hoàn toàn đúng. Trong câu thơ trên, tác giả đã thật tài tình khi gửi gắm hình ảnh người vợ trong hình tượng “con cò”. Từ cổ chí kim, cánh cò luôn là hiện thân của những người phụ nữ càn mẫn, chăm chỉ, giàu đức hi sinh:

Con cò lặn lội bờ sông Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

Người vợ trong thơ Tú Xương cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Bằng lối nói đảo ngữ, đặt tính từ láy “lặn lội, eo sèo” lên đầu câu, tác giả như muốn nhấn mạnh những gian truân, vất vả, thử thách trên bước đường đời. Tác giả gọi là “thân cò” thay vì “con cò” cũng là có dụng ý nghệ thuật riêng của mình. Đó là cụm từ chỉ chung cho hết thảy phụ nữ Việt. “Quãng vắng, buổi đò đông” như gợi đến những không gian vắng vẻ, heo hút, lạnh lẽo càng tô đậm hình ảnh lẻ loi của người phụ nữ. Có thể nói, không gian mở ra rộng lớn, choáng ngợp, lại lặng thinh đến nhàm chán. Nổi bật trên cái nền ấy là bóng cò nhỏ nhoi, gầy guộc lặn lội kiếm ăn. Toàn không gian như đang muốn nuốt chửng cái thân xác yếu mềm ấy. Nhưng đặt trong tình thế đối lập với hoàn cảnh, nhà thơ như muốn nói với độc giả cái bản lĩnh, cái cứng cỏi dám đối đầu, chống chọi, vượt lên trên mọi nghịch cảnh, để sống cho mình, sống cho chồng, cho con của người phụ nữ Việt.

Trần Tế Xương đã tạc riêng hình ảnh vợ mình. Khi nhìn ngắm, chúng ta thấy rung rinh, ẩn hiện biết bao hình hài, dường nét chung của vạn triệu bà mẹ, người chị Việt Nam ngày ấy cũng như bây giờ. Những bà mẹ, người chị gian nan, vất vả hơn nhiều những “con cò, con vạc” thuở xưa và cũng bản lĩnh chu đáo, đủ đầy nhân hậu chẳng kém gì người xưa.

Dòng suy nghĩ tiếp tuc miên man, tuôn tràn dưới ngòi bút đa tài của nhà thơ, mỗi câu mỗi chữ là một giọt nước mắt nhỏ xuống cho cuộc đời người phụ nữ khổ cực:

Một duyên, hai nợ âu dành phận Năm nắng mười mưa dám quản công.

Lại thêm một lối nói đầy ám ảnh phong vị dân gian nữa xuất hiện trong thơ tác giả. Cách đếm số “Một…hai…” đã quá quen thuộc trong những câu ca dao dân ca xưa. Điều này không những giúp cho thơ Tú Xương vẫn nằm trong văn mạch dân tộc mà còn nhấn mạnh những cốt cách, phẩm chất kia không phải của riêng một người nào, cũng không phải của toàn bộ thế giới. Đó chỉ có thể là của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam mà thôi.

Qua từng câu từng chữ như thấm đượm lời tâm sự của nhà thơ về cuộc ngộ duyên của mình với vợ. Họ đến với nhau bởi cái duyên, nhưng rốt cuộc lại trở thành cái “nợ”, “một duyên” nhưng lại có đến “hai nợ”. Câu thơ chứa chan cái ngậm ngùi cho cuộc hôn nhân “duyên thì ít mà nợ thì nhiều”. Ba chữ “âu đành phận” vang lên như một sự bất lực. Duyên đã nối, tình đã se, biết làm thế nào? Đó cũng chính là niềm tự trào của nhà thơ cho sự bất lực của mình. Để ý thấy rằng, cái “duyên nợ” trong ca dao xưa được Tú Xương tài tình tách thành “một duyên hai nợ”, gợi ra sự ngăn cách, không gắn bó, cũng như bà Tú chỉ có thể “buôn bán ở mom sông một mình” mà ông Tú không còn cách nào đỡ đần dù chỉ một phần. Câu thơ tiếp theo lại là một lời ca ngợi, niềm trân trọng vô bờ đối với vẻ đẹp, nhân cách người phụ nữ. Phép đảo ngữ “năm nắng mười mưa” đảo lên đầu câu một lần nữa nhấn mạnh sự tần tảo của bà Tú. Vất vả là thế, cực nhọc là thế, nhưng có bao giờ bà kể công? Với người phụ nữ ấy, hi sinh thân mình cho gia đình không chỉ là bổn phận, trách nhiệm mà còn là niềm hạnh phúc vô bờ trong lòng người vợ, người mẹ Việt Nam. Thế nên với bà, chút công lao ấy không hề đáng khoe khoang, kể công một chút nào. Hình tượng bà Tú vì lẽ đó càng cao cả, quý giá hơn rất nhiều.

Kết thúc bài thơ, Tú Xương không thể cầm lòng mình trước những hy sinh vĩ đại của người vợ mà phải thốt lên rằng:

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc Có chồng hờ hững cũng như không!

Câu thơ mang chút bóng dáng của lối than thân trách phận rất giản dị, niềm nã của lối nói trong ca dao xưa. Đến đây không nuột nà ý nhị nữa, mà có phần thô nháp, xù xì. Song nghe vẫn lọt tai, không làm cho nhau phật ý. Bởi vì, bước đi trữ tình của nhà thơ đã tới đích. Tình cảm yêu thương, trân trọng, bao dung đã đến độ chín muồi. Ngôn ngữ thơ chuyển sang dòng trào lộng, hóm hỉnh, để đùa vui, để chòng ghẹo nhau, nhích lại gần nhau hơn. “Cha mẹ thói đời…” Nghĩa hiển ngôn là lời bà Tú trách chồng, trách thiên hạ, nhưng là trách yêu, những tiếng hờn dỗi có duyên thầm. Nghĩa hàm ẩn – đây mới là nghĩa thực – là tiếng lòng của nhà thơ ăn năn, tự thẹn, xấu hổ vì… mình đã nhiều lần có lỗi với người vợ. Cả tình thơ, lẫn lời thơ rất dân tộc, rất Tú Xương, bất ngờ và thú vị. Cụ Trần Thanh Mại kế rằng: “Khi nghe ông Tú đọc hết hai câu cuối, bà Tú khẽ đưa mắt, nguýt yêu ông, cười tình, tỏ ý khiêm tốn, không nhận công lao. Trong đôi mắt bà, thoắt sáng lên niềm tự hào, tự đắc chính đáng. Có lẽ đây là cái giây phút người đàn bà vất vả, cực nhọc suốt cuộc đời thấy hạnh phúc nhất, sung sướng nhất… Nhà nghiên cứu văn học kết luận: “Bà Tú không phải chỉ là một người đàn bà. Bà còn là một vị thiên thần trời sai xuống, không phải để giúp ông Vị Xuyên trên bước đường danh lợi, mà để cho nước Việt Nam một nhà đại thi hào”.

Dọc suốt bài thơ, ta thấy một nỗi buồn tủi, trách thân trách phận của nhà thơ vì không thể đỡ đần được cho bà Tú. Nhưng đằng sau những dòng thơ tự trào ấy, ta còn thấy một trái tim nóng rẫy tình yêu, như có nước mắt chảy nơi đầu ngọn bút. Bất lực vì không thể giúp đỡ bà bằng những hành động cụ thể, Tú Xương đã gửi gắm tất cả tâm sự qua trang thơ hai mặt phẳng. Tôi cho rằng đó không chỉ là tình thương mà còn hàm chứ một tình yêu vĩ đại đối với một nửa của mình. Lời thơ mộc mạc, giản dị đậm phong vị ca dao, hình ảnh chọn lọc, phép đảo ngữ được sử dụng tài tình. Nhà thơ đã thực sự góp vào kho tàng văn học Việt Nam một kiệt tác mà có lẽ đến ngàn đời sau vẫn đủ sức lay động trái tim độc giả.

Hoàng Hà Anh

Phân Tích Bài Thơ Sóng

“Con sóng dưới lòng sâu Con sóng trên mặt nước Ôi con sóng nhớ bờ Ngày đêm không ngủ được Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc Dẫu ngược về phương nam Nơi nào em cũng nghĩ Hướng về anh một phương

Ở ngoài kia đại dương Trăm ngàn con sóng đó Con nào chẳng tới bờ Dù muôn vời cách trở”

Xuân Quỳnh, giọng nói tha thiết về tình yêu, tiếng của của người phụ nữ với tâm hồn đầy trắc ẩn. Xuân Quỳnh xứng đáng với danh hiệu là bà hoàng thơ tình. Giọng thơ của Xuân Quỳnh khác với tiếng thơ của Xuân Diệu. Cũng nói về tình yêu nhưng với Xuân Quỳnh thì nổi bật với giọng thơ đầy tha thiết, một niềm tin vào tình yêu dù đã trải qua những đổ vỡ. Và điều đó được thể hiện rõ nét qua khổ 5, khổ 6, khổ 7 trong bài thơ sóng.

Con sóng dưới lòng sâu Con sóng trên mặt nước Ôi con sóng nhớ bờ Ngày đêm không ngủ được Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thức

Tình yêu của Xuân Quỳnh tha thiết và rạo rực như những con sóng. Xuân Quỳnh điệp cấu trúc “con sóng” nhằm nhấn mạnh nỗi nhớ của mình tựa như nhiều con sóng ngoài biển khơi, dù ở bất kì đâu, dù ở bất kì nơi nào. Tiếp đó sử dụng biện pháp tương phản đối lập, đối giữa con sóng lòng sâu với con sóng trên mặt nước, đó là nỗi nhớ bao trùm cả không gian và thời gian. Con sóng gắn được nhân hóa thể hiện qua “nỗi nhớ” như tấm lòng người thiếu nữ. Đó cũng là một cách Xuân Quỳnh gián tiếp thể hiện nỗi nhớ của em. Nỗi nhớ của em xâm chiếm toàn tâm trí, như tràn ngập giữa không gian và thời gian. Nỗi nhớ như giăng mắc khắp nơi, và em thể hiện trực tiếp nỗi nhớ ấy. Nếu trong thời phong kiến, tình yêu của người phụ nữ thường phải ví von ước lệ, thì cách bộc lộ tình yêu trực tiếp, mạnh bạo này của Xuân Quỳnh là một nét đẹp người phụ nữ hiện đại, cái chất hiện đại trong thơ của bà. Với một trái tim không lúc nào vơi bớt tình yêu, khát khao yêu và được yêu, tình yêu ấy xâm chiếm toàn bộ suy nghĩ của em, khiến “trpng mơ còn thức” đúng là một cách thể hiện cực kỳ độc đáo. Nếu mới đọc câu thơ, tưởng như thấy một sự vô lý, phi logic trong lời thơ, nhưng cũng một phần bởi sự chi phối của cảm xúc chủ thể, nên câu thơ nghiêng về cảm tính nhiều hơn là lí trí. Đây cũng là một câu thơ nói về tình yêu mới lạ, cả trong mơ em đều mong ngóng và nghĩ về anh. Từng nỗi lo lắng, suy nghĩ em đều dành cho anh, dành cho tình yêu lứa đôi. Nỗi nhớ ấy ăn sâu vào tiềm thức, cả trong mơ hình bóng anh vẫn luôn hiện trong tâm trí và suy nghĩ em. Có người con gái nào khi yêu, trực giác lại không nhạy cảm hơn, điều Xuân Quỳnh diễn tả, âu cũng là một mẫu số chung của những cô gái khi yêu. Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam Nơi nào em cũng nghĩ Hướng về anh một phương Vì tình yêu càng lớn, nên trái tim em vô thức cũng nghĩ về anh nhiều hơn. Dù trong mọi hoàn cảnh, trong mọi hành động, mọi nơi chốn, dù cho không thể gặp được nhau. Đó là một tấm lòng thủy chung son sắc. Điệp từ “dẫu” thể hiện một cách chắc chắn, rằng dù có ở phương trời nào đi chăng nữa, em vẫn sẽ luôn hướng về anh, luôn quan tâm, sẻ chia, chăm sóc và lo lắng cho anh, như một sự chắc chắn sẽ bất chấp hết những khó khăn, thử thách. Người ta vốn thường nói xuôi nam, ngược bắc. Cách nói ngược lại giữa hai nơi nhằm nhấn mạnh sự trắc trở, khó khăn và thử thách. Từ đó càng khiến ta thấy rõ tấm lòng thủy chung của em dành cho anh. Ta thường nghe về phương bắc, phương nam, co bao giờ nghe đến “phương anh?” Phương anh là ở đâu chẳng biết, nhưng với người con gái khi yêu, em luôn hướng về phương anh, và nơi ấy chính là phương riêng của trái tim em.

Ở ngoài kia đại dương Trăm ngàn con sóng đó Con nào chẳng tới bờ Dù muôn vời cách trở

Đây là khổ thơ thể hiện rõ nhất niềm tin của em. Hình ảnh “đại dương” biểu tượng cho cuộc đời. Những con sóng có đại dương rộng lớn, thì cũng giống như em, một mình đối diện với cuộc đời bao la. “Trăm ngàn con sóng đó” như trăm ngàn cuộc đời, kiếp người mong muốn tìm thấy một tình yêu đúng nghĩa. Và em luôn tâm niệm trong trái tim mình một niềm tin bất diệt vào tình yêu. Như Juliet dù gặp khó khăn khi đến với Romeo bởi định kiến dòng họ, nhưng sau cùng, tình yêu đẹp đều tìm đến được với nhau. Và câu thơ “con nào chẳng tới bờ” đã khẳng định niềm tin vào điều đó. Nhờ việc đảo vị trí câu thơ giữa câu ba và câu bốn, khiến ta như càng cảm thấy một chút dự cảm lo âu. Dù có niềm tin mãnh liệt như thế nào, thì em cũng là một người con gái, dù muốn hay không vẫn luôn có những lo âu thấp thỏm về tình yêu. Liệt thật sự những tình yêu đẹp sẽ đến được với nhau dễ dàng?

Đọc bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, ta không thể quên những khổ thơ đầy tha thiết và nói rất hay về tình yêu như vậy. Ba khổ thơ đã góp phần nổi bật tư tưởng cả bài thơ. Và cảm ơn Xuân Quỳnh, người phụ nữ đã cất lên một giọng ca về tình yêu giữa cuộc khánh chiến chống Mĩ đầy ác liệt. Để càng nổi bật sự thủy chung trong hoành cảnh chiến tranh. Cho dù bom đạn có dội xuống, những tình yêu đẹp vẫn mãi trường tồn.

Phân Tích Bài Thơ “Con Cò”

I. Tác giả – Tác phẩm

Tác giả

– Chế Lan Viên (1920-1989) tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan, quê ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, nhưng lớn lên ở Bình Định.

– Trước Cách mạng tháng Tám, 1945, Chế Lan Viên đã nổi tiếng trong phong trào Thơ mới với tập “Điêu tàn” (1937). Với hơn 50 năm sáng tác, có nhiều tìm tòi ở những tập thơ gây được tiếng vang trong công chúa, Chế Lan Viên là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền thơ hiện đại Việt Nam thế kỷ XX.

– Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

2. Tác phẩm:

a. Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ “Con cò” sáng tác năm 1962, in trong tập “Hoa ngày thường – Chim báo bão” (1967) của Chế Lan Viên.

b. Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật:

* Giá trị nội dung:

Khai thác hình tượng con cò trong những câu hát ru, bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa của lời ru trong cuộc đời mỗi con người.

* Giá trị nghệ thuật:

Bài thơ thành công trong việc vận dụng sáng tạo ca dao, có những câu thơ đúc kết được những suy nghĩ sâu xa.

c. Tìm hiểu mạch cảm xúc trữ tình và bố cục của bài thơ

* Mạch cảm xúc trữ tình: được phát triển theo ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con cò, bắt đầu từ hình ảnh con cò trong ca dao theo lời ru của mẹ đi vào tiềm thức trẻ thơ, rồi đến hình ảnh con cò mang ý nghĩa biểu tượng cho sự nâng niu chăm chút của mẹ dành cho con suốt cuộc đời, và cuối cùng là những cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử và ý nghĩa lời ru qua hình ảnh con cò.

* Bố cục: 3 phần.

Khổ I – hình ảnh con cò qua lời ru đến với mỗi con người thuở thơ ấu, con cò là biểu tượng cho cuộc đời lam lũ của mẹ.

Khổ II – hình ảnh con cò đi vào tiềm thức tuổi thơ trở nên gần gũi và sẽ theo con trong suốt chặng đường đời.

Khổ III – từ hình ảnh con cò suy nghĩ về lời ru và lòng mẹ, con cò là biểu tượng cho tấm lòng yêu con của mẹ.

II. PHÂN TÍCH BÀI THƠ

Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con cò:

Hình tượng con cò bao quát toàn bộ bài thơ được khai thác từ trong ca dao truyền thống và được tác giả phát triển, xây dựng thành ý nghĩa biểu tượng cho tấm lòng người mẹ, và ý nghĩa của lời hát ru trong cuộc đời mỗi con người.

Hình ảnh con cò qua những lời ru hát đầu đến với tuổi ấu thơ:

– Khổ I – là hình ảnh của những người phụ nữ nông dân vất vả, cực nhọc nhưng giàu đức hy sinh và những câu ca dao dùng làm lời hát ru.

Con cò bay lả bay la

Bay từ  Cổng phủ bay ra cánh đồng

Con cò bay lả bay la

Bay từ cửa phủ bay về Đồng Đăng…

Đây là những cánh cò bay lả bay la dọc theo chiều dài của những cánh đồng lúa xanh tít tắp, bay về những mái nhà tranh bình yên. Hình ảnh con cò gợi cuộc sống xưa cũ từ làng quê đến phố xá, thong thả, bình yên, ít biến động. Cuộc sống ấy là quê hương thân yêu với cánh cò trải rộng. Hình ảnh con cò là nét rất riêng, rất duyên dáng, dịu dàng, đặc trưng cho làng quê Việt Nam. Con cò ấy phải chăng là hồn của quê hương, mà mẹ gửi vào giấc ngủ của đứa con.

– Hình ảnh con cò trong lời ru cảu mẹ còn là “Con cò ăn đêm, con cò xa tổ, cò gặp cành mềm, cò sợ xáo măng”. Đó là hình ảnh cánh cò vất vả, lam lũ trong ca dao:

Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Hay

Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.

Đó là cánh cò tần toả, là hình ảnh của người mẹ, người phụ nữ nhọc nhằn, vất vả, lặn lội kiếm sống nuôi chồng, nuôi con. Đây không còn là con cò trắng bình yên vô tư lự mà đã trở thành biểu tượng của những người nông dân vất vả, cực chẳng đã, thậm chí còn vất vả hơn khi cò gặp cành mềm.

– Qua những lời ru của mẹ, hình ảnh con cò đến với tâm hồn tuổi thơ ấu một cách vô tư. Đây chính là sự khởi đầu của con đường đi vào thế giới tâm hồn mỗi con người, của những lời ru, lời ca dao dân ca, qua đó là cả điệu hồn dân tộc. Ở tuổi ấu thơ, đứa trẻ chưa thể hiểu và chưa cần hiểu nội dung ý nghĩa của những lời ru này “Con chưa biết con cò con vạc. Con chưa biết những cành mềm mẹ hát”. Chúng chỉ cần được vỗ về trong âm điệu ngọt ngào, dịu dàng của lời ru để đón nhận bằng trực giác vô thức tình yêu vô bờ bến và sự che chở của người mẹ: “Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân”.

– Nhịp 2 và vẫn đóng mở ngân vang, xen kẽ nhau trong từng dòng thơ kết hợp với biện pháp tu từ nhân hoá và so sánh đã tạp nên vẻ đẹp cho câu thơ, làm cho ý thơ thêm sâu sắc. Đoạn thơ khép lại bằng hình ảnh thanh bình của cuộc sống, bằng giấc ngủ say nồng của trẻ thơ.

Hình ảnh con cò đi vào trong tâm hồn trẻ thơ cùng với âm điệu ngọt ngào, dịu dàng của lời ru trở nên gần gũi và sẽ theo con trong suốt chặng đường đời:

– Từ lời ru của mẹ, con cò bước ra làm quen với đứa con bé bỏng. Thế rồi cò trở thành người bạn thân thiết, gần gũi.

+ Khi còn ở trong nôi “Con ngủ yên thì cò cùng ngủ. Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi”.

+ Khi con đi học “Mai khôn lớn con theo cò đi học. Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân”.

+ Và khi con đã trưởng thành “Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ. Trước hiên nhà, và trong hơi mát câu văn”.

– Như vậy, con cò đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết hơn bất cứ người bạn nào. Cánh cò không mệt mỏi bay qua mọi không gian và thời gian, luôn ở bên con từ trong nôi, từ mái trường, từ hiên nhà, từ câu văn. Cánh cò ấy dường như tung tay theo từng ước mơ, khao khát của con. Như vậy, hình ảnh con cò là biểu tượng về lòng mẹ, là sự dìu dắt, nâng đỡ dịu dàng, bền bỉ của mẹ và mẹ mong cho con có tâm hồn yêu quê hương.

Hình ảnh con còn là biểu tượng cho tấm lòng yêu con của người mẹ, theo con suốt cuộc đời:

– Từ sự thấu hiểu tấm lòng người mẹ, nhà thơ đã khái quát một quy luật tình cảm có ý nghĩa sâu sắc và bền vững: “Con dù đã lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. Câu thơ giàu chất trí tuệ, triết lý. Triết lý của trái tim. Điệp từ “dù”, “vẫn” đã khẳng định tình mẫu tử là bền chặt, sắt son. Có gì cao hơn núi, có gì sâu hơn biển, và có gì bao la bằng lòng mẹ yêu con.

– Phần cuối bài thơ trở lại với âm hưởng lời ru và đúc kết hình tượng con cò trong những lời ru ấy “Một con cò thôi. Con cò mẹ hát. Cũng là cuộc đời. Vỗ cánh qua nôi”. Đúng vậy, chỉ một con cò trong lời ru của mẹ thôi mà ẩn chứa bao bài học, bao ý nghĩa về cuộc đời. Bài học ấy, ý nghĩa ấy đến với con thật nhẹ nhàng sâu lắng, qua âm điệu thiết tha của những lời ru. Không có lời ru, cuộc đời con thiệt thòi, nghèo nàn biết mấy.

2. Nghệ thuật của bài thơ

– Thể thơ tự do nhiều câu mang dáng dấp của thể thơ 8 chữ nên cảm xúc được thể hiện một cách linh hoạt.

– Cấu trúc các đoạn thường bắt đầu bằng những câu thơ ngắn, nhiều chỗ có cấu trúc giống nhau, có chỗ cấu trúc lặp lại hoàn toàn gợi âm điệu của lời ru.

– Giọng điệu suy ngẫm có cả tính triết lý làm cho bài thơ không chỉ cuốn người đọc vào điệu ru êm ái, mà hướng nhiều hơn vào sự suy ngẫm, phát hiện.

– Sáng tạo hình ảnh thiên về ý nghĩa biểu tượng nhưng cũng rất gần gũi, quen thuộc mà vẫn có khả năng hàm chứa ý nghĩa mới. Hình ảnh con cò được phát triển, mở rộng qua mỗi khổ nhưng vẫn giữ được tính liên kết, thống nhất.

– Bài thơ thành công trong việc vận dụng sáng tạo ca dao, có những câu thơ đúc kết được những suy nghĩ sâu xa.

Phân Tích Bài Thơ Bếp Lửa

Đề bài: Phân tích bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt

Bài làm

Có lẽ, trong cuộc đời mỗi người, tình cảm gia đình luôn là thứu tình cảm thiêng liêng và cao đẹp nhất. Ở đó, ta nhận được sự quan tâm, chăm sóc vfa chở che của ông bà, cha mẹ. Nhà thơ Bằng Việt, với những câu thơ nhẹ nhàng, mộc mạc trong bài “Bếp lửa” đã khơi gợi lên tình cảm bà cháu thân thương, trìu mến để từ đó ngợi ca tình cảm gia đình và cả tình yêu quê hương, đất nước thiết tha.

“Bếp lửa” được sáng tác năm 1963 khi nhà thơ đang du học ơr Liên Xô. Sống ở nơi đất khách quê người, ở một đất nước lạnh lẽo, những kí ức tuổi thơ như ùa về trong lòng tác giả. Đó là hình ảnh bếp lửa ấm nồng xua tan đi cái lạnh giá của bông tuyết, là tình bà cháu thiêng liêng tiếp thêm sức mạnh giúp cháu vượt qua tất cả khó khăn, vất vả của cuộc sống.

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đậm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa

Mỗi buổi sáng bà lại thức dậy và nhóm lên một bếp lửa ấm nồng. Ngọn lửa “chờn vờn” trước mắt nhà thơ như chính miền kí ức tuổi thơ đang rạo rực trong tâm tư ông. Bà nhen nhóm ngọn lửa cũng như nhen nhóm trong cháu một tình yêu thương bao la trời biển. Những ngọn lửa rực hồng, ấm áp như sưởi ấm trái tim cháu những ngày thơ bé và cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ về, lòng cháu lại không khỏi nghẹn ngào, rưng rưng. Nhớ về bếp lửa, cháu lại nghĩ về bà với tất cả tấm lòng biết ơn sâu sắc. Cháu thương bà, thương những tháng ngày bà tần tảo, lam lũ để cháu có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bao nắng mưa, bao sương gió cuộc đời bà đã trải qua bằng tất cả tình yêu thương dành cho con, cho cháu. Tất cả kí ức ùa về làm cho tác giả không kiềm được mà phải thốt lên “Ôi kỳ lạ và thiêng liêng, bếp lửa”. Một từ “ôi” cũng đủ để nói lên tấm ân tình, thiêng liêng, nồng đượm biết bao. Tuổi thơ của tác giả dường như đã có rất nhiều kí ức đẹp đẽ mà khi lớn lên ông vẫn không thể nào quên.

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ đến giờ sống mũi vẫn còn cay

Nhớ về bà, bao nhiêu kỉ niệm của một thời đói khổ, nhọc nhằn lại hiện lên. Những năm tháng ấy, tuy gian nan vất vả nhưng lúc nào cháu cũng có bà ở bên quan tâm, vỗ về. Chỉ mới bốn tuổi, một cậu bé đã quen mùi khói. Những tháng ngày cả dân tộc đang phải gồng mình chống nạn đói, đi đi làm, miếng ăn cũng chẳng đủ, ba gầy đi đến xót xa. Cháu ở với bà, cùng bà gắn bó bên căn bếp nhỏ với những khói rơm cay xè mắt. Khói đã hun đúc và lấp đầy trong khóe mắt, nó làm cháu rưng rưng vì một tuổi thơ khó nhọc, gian khổ. Chẳng biết sống mũi cháu cay là vì khói bếp hay là nó rưng rưng vì đất nước đang phải chịu cảnh lầm than hay cũng bởi vì cảm động và nghẹn ngào trước tình yêu thương và sự chở che mà cháu nhận được từ người bà kính yêu. Một chữ “cay” làm câu thơ như khựng lại, tâm hồn người đọc cũng lắng xuống và ai cũng phải nghĩ về tuổi thơ và gia đình với tình cảm thân thương nhất.

Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa

Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà

Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế

Tiếng tu hú sao mà tha thiết thê!

Tám năm là quãng thời gian dài đằng đẵng. Tám năm cháu ở cùng bà, cùng bà nhóm lên bếp lửa, nhóm lên tình yêu thương vô bờ. Bà đã đem đến cho cháu, một cậu bé hồn nhiên, vô tư sức sống mãnh liệt và tình yêu cháy bỏng ấm nồng như chính hơi ấm của bếp lửa mà hằng ngày cháu với bà vẫn thường nhen nhóm. Tám năm ấy, cháu sống cùng bà, cùng với tiếng kêu da diết của tu hú. Tiếng tu hú báo hiệu mùa hè, mùa thu hoạch. Nó như là niềm tin, niềm hy vọng một vụ mùa bội thu để nhân dân có thể vượt qua nạn đói kinh hoàng. Tiếng tu hú cứ văng vẳng trên cánh đồng xa như dội về tâm hồn người cháu ở nơi đất khách một nỗi niềm mênh mông, thấm đượm tình cảm thương xót, nghẹn ngào.

Mẹ cùng cha công tác bận không về

Cháu ở với bà, bà bảo cháu nghe

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học

Những năm tháng của tuổi thơ, vì cuộc sống, cha mẹ phải đi công tác xa. Suốt những ngày tháng ấy, bà là người luôn bên cạnh cháu. Bà vừa là mẹ, vừa là bà, vừa là cha yêu thương và chăm sóc cháu. Bà cũng là người thầy dạy cháu học, dạy cháu làm, dạy cháu có ý thức và trách nhiệm hơn với cuộc sống này. Bà là cái nôi nuôi dưỡng cháu nên người. Công ơn của bà không gì có thể kể hết. Bao lo toan, gánh nặng bà đều gánh vác. Nghĩ đến bà, cháu thấy thương, thấy biết ơn vô cùng. Một khổ thơ thật cảm động được viết lên bằng tất cả những tình cảm chân thành xuất phát từ chính trái tim người cháu. Nó làm người đọc nghẹn ngào, rưng rưng.

Giữa chiến tranh loạn lạc, đức hy sinh của bà càng được tô đậm.

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên

Dù mất mát, gian khổ bà vẫn có thể vượt qua. Bà muốn cháu, muốn con yên tâm mà công tác. Lời dặn của bà giản dị nhưng nó lại là một tình cảm lớn lao. Bà muốn là hậu phương, là chỗ dựa vững chắc cho con, không muốn ai phải lo lắng. Hình ảnh của bà là đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam kiên cường, giàu đức hy sinh.

Sau những kí ức của tuổi thơ đang ùa về, tác giả quay trở lại với thực tại.

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

Những vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở

Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?

Dù cháu đã trưởng thành, đến với một đất nước văn minh, tiên tiến với những thiết bị hiện đại nhưng tuổi thơ vẫn là miền kí ức mà cháu không thể nào quên. Ngọn lửa hồng mãi là những gì ấm áp và thân thương nhất. Cháu nhớ bếp lửa, nhớ về bà banwhf một tấm lòng thành kính, nâng niu.

Như vậy, với những câu chữ và hình ảnh mộc mạc, thân quen nơi thon quê, Bằng Việt đã gợi lên trong lòng người đọc những tình cảm cao đẹp của bà và cháu để từ đó, ta biết nâng niu, trân trọng hơn đối với quá khứ và những người thân yêu. Bếp lửa mãi luôn là hình ảnh đẹp nhất, thân thương nhất trong mỗi gia đình.

Seen

Phân Tích Bài Thơ Chiều Tối

Đề ra: Phân tích “Chiều tối” để làm nổi bật nét cổ điển, hiện đại (Hoặc tinh thần thép của người tù chiến sĩ)

Phan Danh Hiếu – Trích CẨM NANG LUYỆN THI ĐẠI HỌC – NXB ĐHQG HÀ NỘI – Chủ biên Phan Danh Hiếu HƯỚNG DẪN Giới thiệu vài nét về bài thơ

“Nhật ký trong tù” là tập thơ đặc sắc của Hồ Chí Minh. Qua những bài thơ hay và tiêu biểu của tập thơ, người đọc thấy màu sắc đậm đà của hồn thơ Hồ Chí Minh là màu sắc cổ điển. Đó là giàu tình cảm với thiên nhiên, hình tượng nhân vật trữ tình ung dung thư thái, bút pháp chấm phá như muốn ghi lấy linh hồn của tạo vật, tuy cổ điển mà vẫn gắn bó tinh thần của thời đại. Hình tượng thơ luôn luôn vận động hướng về sự sống, ánh sáng, tương lai; trong quan hệ với thiên nhiên, con người luôn giữ vai trò chủ thể. Không phải là ẩn sĩ mà là chiến sĩ. Bài thơ “Chiều tối” thể hiện rõ sự kết hợp chất cổ điển và chất hiện đại đó.

Vẻ đẹp cổ điển trong bài thơ “Chiều tối”

Trong bài thơ “Chiều tối” Hồ Chí Minh đã sử dụng hình ảnh cánh chim và chòm mây để diễn tả không gian và thời gian buổi chiều. Đó là hình ảnh rất quen thuộc trong thơ ca truyền thống.

b. Ở bài “Chiều tối”, chúng ta bắt gặp một pháp nghệ thuật rất quen thuộc – đó là bút pháp chấm phá, tả ít gợi nhiều. Đặc biệt tác giả dùng chữ “hồng” ở cuối bài thơ để miêu tả cái tối.

Vẻ đẹp hiện đại của bài thơ “Chiều tối”

Nếu như trong thơ xưa, con người thường trở nên nhỏ bé nhạt nhoà trước thiên nhiên rộng lớn, thì ở bài thơ “Chiều tối”, hình ảnh người lao động, “cô gái xay ngô” nổi bật lên và là hình ảnh trung tâm của bức tranh thiên nhiên, là linh hồn, là ánh sáng của bức tranh, chi phối toàn bộ khung cảnh nước non sơn thuỷ.

Trong bài thơ “Chiều tối”, chúng ta nhận thấy tư tưởng, hình tượng thơ luôn có sự vận động khoẻ khoắn, đó là sự vận động từ bức tranh thiên nhiên chuyển sang bức tranh đời sống, từ nỗi buồn đến niềm vui ấm áp, từ tàn lụi đến sự sống.

Tóm lại bài thơ mang đậm tính chất cổ điển, hiện đại mang đậm phong cách Hồ Chí Minh vì thế bài thơ viết về chiều tối mà không những không âm u mà còn bừng sáng ở đoạn cuối.

Phan Danh Hiếu – Trích CẨM NANG LUYỆN THI ĐẠI HỌC – NXB ĐHQG HÀ NỘI – Chủ biên Phan Danh Hiếu HƯỚNG DẪN CHI TIẾT MỞ BÀI

Hồ Chí Minh được nhân loại biết đến không chỉ là một vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam mà còn được biết đến như một nhà văn, nhà thơ lớn của thế kỷ XX. Ngoài văn chính luận, người còn để lại cho đời một sự nghiệp thơ ca đáng trân trọng. Trong đó nổi bật nhất là tập thơ ” Nhật ký trong tù”. Tập thơ này như một cuốn nhật ký bằng thơ ghi lại những chặng đường giải lao đầy gian nan vất vả của người tù. Nhưng bằng bản lĩnh thép, tinh thần thép Người đã vượt qua hoàn cảnh tù đày để hướng về ánh sáng. Bài thơ ” Chiều tối” là một trong những sáng tác tiêu biểu nhất của tập ” Nhật ký trong tù”. Bài thơ mang phong vị vừa cổ điển vừa hiện đại.

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không Cô em xóm núi xay ngô tối Xay hết lò than đã rực hồng. Phan Danh Hiếu – Trích CẨM NANG LUYỆN THI ĐẠI HỌC – NXB ĐHQG HÀ NỘI – Chủ biên Phan Danh Hiếu THÂN BÀI

Khái quát: Tháng 8/1942, Nguyễn Ái Quốc sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của bạn bè quốc tế về cuộc cách mạng ở Việt Nam. Sau mười lăm ngày đi bộ khi vừa tới thị trấn Túc Vinh, tỉnh Quảng Tây, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ và bị “mười bốn trăng tê tái gông cùm”trong gần ba mươi nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Trong thời gian này, Người đã sáng tác tập thơ Nhật ký trong tù gồm 134 bài thơ bằng chữ Hán. Bài thơ “Mộ” (Chiều tối) được xem là áng thơ tuyệt bút, được Người làm trên đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo.

Bài thơ mở đầu bằng bức tranh thiên nhiên buổi chiều tà trên đường Bác bị giải lao. Chỉ vài nét chấm phá, hai câu đầu của bài thơ đã để lại một tiểu họa về cảnh thiên nhiên vùng sơn cước ở thời điểm “chiều tối” mang phong vị cổ điển rõ nét. Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không

Thiên nhiên hiện lên với hai nét chấm phá: cánh chim và áng mây mang màu sắc cổ thi rõ nét. Hai hình ảnh ấy tạo nên bầu không gian khoáng đãng, cao rộng, thể hiện điểm nhìn lên của tác giả “luôn ngẩng cao đầu trong hoàn cảnh tù đày”. Buổi chiều ấy dường như ta đã bắt gặp đâu đó trong thơ xưa: “Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà” hay “Chiều tà bảng lảng bóng hoàng hôn” (Bà Huyện Thanh Quan). Cánh chim và chòm mây vốn là những thi liệu rất quen thuộc trong thơ cổ thường dùng để miêu tả cảnh chiều tối như một bút pháp miêu tả thời gian. Lý Bạch trong bài thơ Độc tọa Kính Đình san cũng đã từng viết:

Chúng điểu cao phi tận Cô vân độc khứ nhàn (Chim trời bay đi mất Mây lẻ trôi một mình)

Điều mới mẻ có tính hiện đại ở đây là nếu như trong thơ cổ, cánh chim thường bay về chốn vô tận vô cùng, vô định, gợi cảm giác xa xăm, phiêu dạt, chia lìa, mang cái buồn thương u uẩn thì cánh chim trong thơ Bác lại gần gũi yêu thương hơn bao giờ hết. Nó chỉ là cánh chim tìm về tổ ấm sau một ngày dài mỏi mệt kiếm ăn. Cái hay nằm ở chỗ, nhìn cánh chim bay mà thấy được “quyện điểu”, thấy được trong dáng bay của cánh chim có sự mỏi mệt của nó. Nghĩa là nhà thơ nhìn thấy được sự vận động bên trong của cánh chim kia. Đây chính là tình cảm nhân đạo của Hồ Chí Minh. Cái nhìn ấy thể hiện tình cảm nhân ái bao la của Người đối với cảnh vật. Đúng như Tố Hữu đã từng viết ” Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người”. Qua đó ta thấy thêm một nét nghĩa mới: người tù dường như cũng đồng cảm với cánh chim kia, Người như cũng muốn được dừng chân sau một ngày đày ải “Năm mươi ba cây số một ngày/ Áo mũ dầm mưa rách hết giày”.

Cùng với “Quyện điểu quy lâm”, là “Cô vân mạn mạn”. Bài thơ dịch khá uyển chuyển, nhưng đã làm mất đi vẻ lẻ loi, trôi nổi, lững lờ của đám mây. Người dịch đã bỏ sót chữ “cô” và chưa thể hiện được hết nghĩa của hai từ láy “mạn mạn”. Căn cứ vào phần nguyên âm ta thấy, hình ảnh đám mây cô đơn, lẻ loi đang chầm chậm trôi qua bầu trời. Nó không chỉ làm cho bầu trời thêm cao, thêm khoáng đãng mà còn gợi lên nỗi buồn bâng khuâng của người tù nơi đất khách quê người. Nhưng buồn mà không bi lụy, không hiu hắt như trong thơ cổ điển. Mặc dù câu thơ dịch: “Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không” chưa được sát nghĩa nhưng dù sao cũng thấy cái hay riêng của nó. Chòm mây trôi nhẹ nhàng, nhàn tản như chính tâm hồn người tù chiến sĩ ung dung tự tại, bị giải tù mà như đang thưởng ngoạn cảnh trời chiều và thả tâm hồn thi sĩ chứ không còn là cảnh tù đày mệt mỏi nữa. Qua đó ta thấy tác giả không hề để lộ cái mệt mỏi, cô đơn của chính mình. Đó chính là TINH THẦN THÉP vĩ đại của người tù – thi sĩ Hồ Chí Minh.

Nhìn chung, hai câu đầu bài thơ có phảng phất nỗi buồn của lòng người, của tâm trạng người tù nhưng cảnh buồn mà không chút bi lụy. ThS Nguyễn Đức Hùng nhận xét rằng “Những buổi chiều như vậy, đâu có thiếu trong văn chương cổ kim; nhưng nếu cảnh ấy qua cái nhìn của một Lý Bạch tiêu diêu, một Khuất Nguyên u uất chắc chắn sẽ đầy ảm đạm, thê lương. Còn ở đây, nếu không rõ xuất xứ, nhiều người sẽ lầm tưởng “Mộ” là bài thơ của thời Thịnh Đường“.Phan Danh Hiếu – Trích CẨM NANG LUYỆN THI ĐẠI HỌC – NXB ĐHQG HÀ NỘI – Chủ biên Phan Danh Hiếu

Cảnh chiều tà nơi vùng sơn cước có chút hiu hắt vắng lặng gợi lên cái bâng khuâng man mác trong lòng người đọc nhưng sự biến chuyển của hai câu sau nhanh chóng xóa đi cái hiu hắt vốn có của núi rừng. Đó chính là lúc mà đôi mắt yêu thương và trái tim nhân ái bao la của Người bắt gặp vẻ đẹp của con người lao động: Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc, Bao túc ma hoàn lô dĩ hồngPhan Danh Hiếu – Trích CẨM NANG LUYỆN THI ĐẠI HỌC – NXB ĐHQG HÀ NỘI – Chủ biên Phan Danh Hiếu

Sinh thời Hồ Chí Minh chỉ có một ao ước lớn: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Nghĩa là ao ước của Người luôn hướng về nhân dân, nhân dân ở đây không chỉ hiểu là dân tộc Việt Nam ta mà còn là nhân dân cần lao trên thế giới. Đó chính là tinh thần nhân đạo cao cả của Quốc tế cộng sản.

Câu thơ nguyên bản “Sơn thôn thiếu nữ” dịch là “Cô em xóm núi” đứng trên bình diện nghĩa của từ thì không có gì sai. Nhưng câu thơ dịch đã không thể hiện được cái nhìn trân trọng của nhân vật trữ tình đối với con người; giọng điệu trang trọng của câu thơ nguyên tác không hiện diện trong lời thơ dịch. Người phụ nữ đã nhiều lần có mặt trong thơ chữ Hán, nhưng phần lớn họ đều thuộc giới thượng lưu hoặc chí ít cũng gần gũi với giới thượng lưu. Phần lớn người phụ nữ trong cổ thi đều mang nỗi buồn thương man mác vì chiến tranh sinh ly tử biệt hay lỡ dỡ tình duyên, Vương Xương Linh đời Đường từng viết Khuê oán:

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu, Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc Hối giao phu tế mịch phong hầu. Cô gái phòng the chửa biết sầu Ngày xuân trang điểm dạo lên lầu Đầu đường chợt thấy tơ xanh liễu Hối để chồng đi kiếm tước hầu.Phan Danh Hiếu – Trích CẨM NANG LUYỆN THI ĐẠI HỌC – NXB ĐHQG HÀ NỘI – Chủ biên Phan Danh Hiếu

Cái mới ở đây là cũng viết về hình ảnh người phụ nữ nhưng thơ Bác lại viết về người dân lao động với cái nhìn trân trọng yêu thương mang niềm vui của tấm lòng nhân đạo. Hai chữ ” thiếu nữ” gợi lên vẻ trẻ trung, tươi tắn của cô gái cùng với hoạt động xay ngô đã làm hiện lên vẻ đẹp khỏe khoắn, nhịp nhàng trong lao động. Hình ảnh này đã làm xôn xao cả buổi chiều cô quạnh mang đến cho bức tranh thơ sức sống và niềm vui lan tỏa. V iệc đặt hình ảnh “sơn thôn thiếu nữ”ở vị trí trung tâm của bức tranh phong cảnh chiều tối đã làm cho bức tranh thiên nhiên trở thành bức tranh về cuộc sống con người. Sự chuyển đổi ấy thể hiện một khuynh hướng vận động của hình tượng thơ và quan điểm nhân sinh của Bác. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hồ Chí Minh cũng gắn bó với cuộc sống con người nơi trần thế đặc biệt là cuộc sống nhân dân lao động“.

Tính hiện đại ở đây nữa chính là nghệ thuật biểu hiện. Tài hoa của Người là ở chỗ tả cảnh thiên nhiên, tả cảnh chiều tối mà không phải dùng đến một tính từ chỉ thời gian nào. Cả bài thơ không hề có chữ tối nào cả mà người đọc vẫn nhận ra chữ tối. Người dùng ánh lửa đỏ để thể hiện thời gian (trời có tối mới nhìn thấy lò than rực hồng). Hơn nữa, người đọc còn cảm nhận được bước đi của thời gian từ chiều đến tối. Cô gái xay ngô từ khi trời còn ánh sáng; xay xong thì trời đã tối. Điệp ngữ liên hoàn (điệp ngữ vòng) “ma bao túc – bao túc ma hoàn” đã cho ta cảm nhận được thời gian đang vận động đang xoay theo từng vòng quay của cối xay ngô. Phải chăng Hồ Chí Minh đã có một phát hiện mới trong bút pháp tả thời gian. Rõ ràng, ngay cả khi tả cảnh chiều tối, thơ Hồ Chí Minh vẫn có sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng. Vòng quay của chiếc cối chấm dứt, công việc kết thúc (bao túc ma hoàn) thì lò than cũng vừa đỏ (lô dĩ hồng), ánh lửa đỏ ấm nồng xuất hiện thật bất ngờ, tỏa sáng vào đêm tối xua tan đi cái lạnh lẽo hiu hắt của núi rừng. Đó cũng là lúc mà cô gái kia được quây quần bên mâm cơm ấm cúng của gia đình.

Chữ “hồng” nằm ở cuối bài thơ nhưng có một vị trí đặc biệt. Trong nghệ thuật Đường thi, chữ hồng được xem là nhãn tự là con mắt thần. Nó tạo nên cái thần thái đặc biệt cho bài thơ. Hoàng Trung Thông nhận xét rằng: ” Với một chữ “hồng”, Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ, đã làm mất đi sự mệt mỏi, sự uể oải, sự vội vã, sự nặng nề đã diễn ra trong ba câu đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của cô em sau khi xay xong ngô tối. Chữ “hồng” trong nghệ thuật thơ đường người ta gọi là “con mắt thơ” (Thi nhãn hoặc là nhãn tự (chữ mắt nó sáng bùng lên, nó căn lại, chỉ một chữ thôi với hai mươi bảy chữ khác dẫn đầu nặng đến mấy đi chăng nữa. Với chữ “hồng” đó có ai còn cảm giác nặng nề, mệt mỏi, nhọc nhằn nữa đâu, mà chỉ thấy màu đỏ đã nhuốm lên cả bóng đêm, cả thân hình, cả lao động của cô gái đáng yêu kia. Đó là màu đỏ tình cảm Bác”.Phan Danh Hiếu – Trích CẨM NANG LUYỆN THI ĐẠI HỌC – NXB ĐHQG HÀ NỘI – Chủ biên Phan Danh Hiếu

Như vậy chữ “hồng” rất xứng đáng là “ông thánh thứ hai mươi tám” của bài thơ. Ánh hồng ấy không chỉ tỏa ra từ chiếc bếp lửa bình dị của một “sơn thôn thiếu nữ” mà chủ yếu được tỏa ra từ tấm lòng nhân ái, tinh thần lạc quan của Hồ Chí Minh. Về nét nghĩa khác, chữ “hồng” còn là biểu hiện của cuộc vận động từ bóng tối ra ánh sáng. Thơ Hồ Chí Minh bao giờ cũng vậy, luôn hướng về ánh sáng. Trong bài thơ Tảo giải, chữ Hồng ấy cũng đã từng xuất hiện:

Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng Bóng tối đêm tàn sớm sạch không

Chữ hồng ấy với chữ hồng trong ” Chiều tối” có cùng một nét nghĩa là chỉ ánh sáng, chỉ niềm vui, sự lạc quan của người tù. Con đường cách mạng Việt Nam cũng vậy đi từ trong đêm trường nô lệ, đi trong chông gai để đến với con đường vinh quang.

Đầu tường sớm sớm vầng dương mọc, Chiếu cửa nhà lao, cửa vẫn cài; Trong ngục giờ đây còn tối mịt, Ánh hồng trước mặt đã bừng soi.

Nghệ thuật: Thành công của bài thơ chính là yếu tố cổ điển kết hợp với hiện đại, sử dụng hình ảnh thơ giản dị, mộc mạc. Ngoài ra, thành công của bài thơ còn là bút pháp tả cảnh ngụ tình, lấy động tả tĩnh, các biện pháp tu từ như: điệp ngữ vòng, ẩn dụ, bút pháp miêu tả thời gian.

III. TỔNG KẾT:

Tóm lại, bài thơ Chiều tối để lại trong lòng độc giả vẻ đẹp về một bức tranh thiên nhiên vùng sơn cước qua những nét vẽ vừa cổ thi vừa hiện đại. Bài thơ đã làm người đọc xúc động trước tình cảm nhân ái bao la của người tù chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh dù trong hoàn cảnh tù đày nơi đất khách quê người nhưng Người vẫn vượt lên trên tất cả mọi sự khổ đau, đọa đày vè thể xác để đưa đến cho người đọc những vần thơ tuyệt bút. Xin được mượn bốn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu thay cho lời kết:

Lại thương nỗi đọa đày thân Bác Mười bốn trăng tê tái gông cùm Ôi chân yếu, mắt mờ tóc bạc Mà thơ bay cánh hạc ung dung

Phan Danh Hiếu – Trích CẨM NANG LUYỆN THI ĐẠI HỌC – NXB ĐHQG HÀ NỘI – Chủ biên Phan Danh Hiếu

Bạn đang xem bài viết Phân Tích Bài Thơ “Thương Vợ” Của Trần Tế Xương. trên website Anhngucongdong.com. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!