Kính thưa Ban giám khảo cùng quý vị đại biểu. Chúng ta đều biết văn hóa làm nên cội nguồn của đất nước, bên cạnh những nét văn hóa về ngôn ngữ, chữ viết, ẩm thực…thì trang phục chính là phương diện không thể thiếu để làm nên nét văn hóa đậm chất phương Đông của Việt Nam. Chúng ta có quyền tự hào vì trang phục truyền thống mang tên Áo Dài đã sống với dân tộc hàng thế kỉ và cũng chịu bao thăng trầm, bao phen khóc cười cùng vận mệnh nước nhà.
Chẳng ai rõ chiếc áo dài ra đời từ mốc thời gian nào, chỉ biết rằng hình ảnh tiền thân của áo dài được khắc trên trống đồng Ngọc Lũ và được xuất hiện trong các giai thoại về hai vị nữ tướng lừng lẫy Trưng Trắc, Trưng Nhị. Trải qua nhiều thời kì với những thay đổi từ kiểu dáng đến chất liệu, màu sắc nhưng áo dài vẫn có mặt xuyên suốt trong đời sống thường nhật của người Việt Nam. Không giống như Hanbok của Hàn Quốc hay Kimono của Nhật Bản chỉ được mặc trong những dịp nghi lễ quan trọng, áo dài góp mình vào khắp các nẻo đường từ trường học đến công ty, từ hội hè đình đám đến lễ cưới hỏi.
Góp phần vào nhiệm vụ tái hiện lại hình ảnh chiếc áo dài trong tâm hồn người Việt, chúng tôi xin giới thiệu đến Ban giám khảo, quý khán giả bộ sưu tập áo dài mang tên TRÊN MỌI NẺO ĐƯỜNG
Đẹp nhất, tinh khôi nhất vẫn là chiếc áo dài trắng những buổi chiều tan học, trên chiếc xe đạp chở đầy những hoa phượng để rồi ai đó lưu luyến bâng khuâng trong mối duyên đầu chưa ngỏ “Mối tình đầu của tôi
Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp,
Là áo ai bay trắng cả giấc mơ
Là bài thơ còn hoài trong vở,
Giữa giờ chơi mang đến lại mang về”
Tuổi học trò nhiều ước mộng, bao nhiêu mộng ước cô nữ sinh giấu kính trong tâm hồn, trong nụ cười duyên và gửi hộ màu áo trắng trinh nguyên ấy. Huy Cận đã từng thổn thức nhìn màu áo mà mơ tưởng:
“Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng.
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước toả hồng”
“Trở lại Huế yêu lần theo ân tình câu hát
Tìm người con gái áo tím mộng mơ
Sông Hương tấp nập tìm răng được chừ
Không nguôi kỷ niệm vòng tay học trò”
Hành trình của chiếc áo dài hòa vào sự phát triển rộn ràng của xã hội và để phù hợp hơn với cuộc sống năng động, chiếc áo dài cách tân có sự thay đổi về kiểu dáng, chất liệu. Tuy vậy chiếc áo dài vẫn giữ những nét đẹp kín đáo, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.