Anh ơi! Tháng sáu của chúng mình trời cứ đổ mưa ngâu Phượng vỹ đơm bông nuốt trái sầu con ve khóc Cây trứng cá bên hiên vẫn mấy mùa đơn độc Trái chưa chín mà theo gió cuốn rụng đi
Buổi hạ anh chưa về đã nói tiếng biệt ly Cây lộc vừng xót xa tiếc hai mùa bông đỏ Bến cũ anh ơi con thuyền neo bóng sợ Đợi người khách năm nào không ghé lại về thăm
Tháng sáu trời mưa làm rụng cánh bông bần Con nước lớn rồi nước ròng siết chảy Chuyến đò chưa qua sông đã trắng mùa lau sậy Con bìm bịp khóc cười ướt sũng vành trăng non
Tiếng chổi tre của Bà Sáu giận hờn Đêm mưa trút lá bàng rơi ướt đẫm Sân trường nay cũng sụt sùi ảm đạm Bởi cơn mưa già lại réo rắt kề bên
Lời bình:
Những chiều mưa vẫn thường khiến lòng người dễ chìm vào những nỗi buồn da diết của những mùa kỷ niệm. Có mùa kỷ niệm nào buồn hơn những mùa chia ly màu đỏ, của cánh phượng vỹ nơi góc trường tiễn những bóng người đi. Tháng sáu, mùa chia ly với cái nắng vàng con mắt, cũng từ ấy bao mối tình đã hóa dở dang. “Mưa tháng sáu” của Cỏ cũng mang một nỗi niềm xót xa mùa ly biệt, những câu thơ như một cơn mưa rào thấm đẫm lòng người đọc, dâng lên một xúc cảm như nghẹn lại cùng nhịp thơ.
“Anh ơi! Tháng sáu của chúng mình trời cứ đổ mưa ngâu Phượng vỹ đơm bông nuốt trái sầu con ve khóc Cây trứng cá bên hiên vẫn mấy mùa đơn độc Trái chưa chín mà theo gió cuốn rụng đi”
Hai tiếng “Anh ơi!” cất lên thật tự nhiên như bất kỳ một cuộc chuyện trò nào, tưởng như hai người vẫn kề cận, ngồi bên nhau và thủ thỉ tâm tình. Cách tác giả dùng đại từ “chúng mình” trong câu “Tháng sáu của chúng mình trời cứ đổ mưa ngâu” thật dịu dàng và thân thiết. Từng câu từng chữ, nhịp thơ cũng như cơn mưa ngâu tháng sáu rớt bên hiên, thẫm đẫm vào tấm lòng qua lời kể lể.
“Buổi hạ anh chưa về đã nói tiếng biệt ly Cây lộc vừng xót xa tiếc hai mùa bông đỏ Bến cũ anh ơi con thuyền neo bóng sợ Đợi người khách năm nào không ghé lại về thăm”
Mấy mùa đơn độc đi qua có lẽ cũng là mấy mùa mưa tháng sáu, mùa hạ chờ đợi mãi một dáng người trở về nhưng chẳng nổi. Ngày trôi qua, tháng trôi qua, anh không về thì nỗi mong chờ cũng đâu níu chân được mùa hạ. Thế là mùa hạ lại thêm lần ra đi, trôi vào khoảng không trống rỗng đến vô cùng. Tiếng biệt ly cất lên từ mùa hạ nghe xót xa cả đất trời, cả những cánh hoa vốn vô tình mà nay cũng như hữu ý, hai mùa hoa lộc vừng rụng xuống, hai mùa buồn từ ấy kéo dài thêm… Này con thuyền còn đợi mãi bến xưa, có phải chăng vẫn là con thuyền năm cũ, người lái đò năm nào ơi, chờ đợi mãi người khách năm nào cũng có được hay chăng?
Cơn mưa tháng sáu trắng trời vội trắng cả mùa lau sậy khi con nước lớn, con nước ròng mùa nối mùa đã chảy qua bến cũ. Chuyến đò chưa sang sông, chuyến đò còn chờ đợi mãi một người khách duy nhất, một người khách đã lỡ hẹn trăm năm, để tiếng khóc cười chẳng rõ buồn tủi, xót xa hay đã trơ lì xúc cảm tới độ tiếng khóc lẫn tiếng cười làm “ướt sung vành trăng non”. Vành trăng non mùa cũ chưa biết khóc, chưa biết buồn và chưa biết đợi chờ rồi thất vọng. Nay vành trắng ấy đã ướt rồi, tính từ “ướt sũng” được dùng ở câu thơ này như thể đã gợi ra cả một trời lệ nhòa vương vào vành mi mắt, bờ mi ấy từ buổi nào đã không còn biết lấp lánh màu vui, bờ mi ấy từ buổi nào đã chỉ biết nhạt nhòa ánh lệ.
Cảnh vật chuyển tiếp sang một khung cảnh khác rất đỗi thân quen, thật đẹp mà cũng thật buồn. Từng âm thanh, hình ảnh hiện ra đều nhắc nhớ những kỷ niệm cũ xưa, quyện cùng tiếng mưa đêm và tiếng chổi tre cũng biết “giận hờn”. Một bầu trời kỷ niệm đã từng đẹp biết bao nhiêu thời niên thiếu trên sân trường hồn nhiên ấy, vậy mà nay chỉ còn những “sụt sùi ảm đạm” với “réo rắt” của tiếng mưa.
Lũ ve khóc cho mùa chia ly vừa đến, hoa phượng rụng rơi cất tiếng tạ từ mùa hạ. Thế là mọi thứ đều đã tàn phai theo những kỷ niệm cũ xưa vẫn còn nặng trĩu trong lòng người chờ đợi. Ngỡ như nỗi mong chờ cũng đã vụt tắt, nhưng tới hai câu thơ cuối cùng của bài ta vẫn nhận ra thứ tình cảm mà người thiếu nữ ấy đã nặng lòng dường như đã trở thành một niềm tín ngưỡng bất diệt, dù người đã lỡ hẹn, dù người chẳng trở về dẫu bao mùa đã trôi qua, nhưng riêng lòng người chờ đợi vẫn nhen nhóm một hy vọng rạo rực như sắc hoa phượng vỹ. Mùa hạ đã tàn, người con gái dù đã buồn hiu hắt nhớ người xa nhưng vẫn chẳng quên đắn đo về màu hoa đã sắp tàn phai.
Hẳn người đã nghĩ, hoa còn thắm thì sẽ còn hy vọng, người vẫn tin rằng người phương xa rồi sẽ trở về, đoàn viên trong màu phượng đỏ. Nắng có giúp được không? Năm tháng có giúp được không? Tất cả chẳng hề gì bởi niềm thương yêu, nỗi mong chờ và hy vọng từ trái tim cô đã khiến nhu mờ mọi lý lẽ của đời sống. Ở đấy chỉ có tình yêu, nỗi nhớ, và sự đợi chờ bất diệt với tháng năm…
Kết thúc bài thơ, tôi chỉ có thể trách rằng người con gái ấy ngốc khờ quá đỗi. Như ai đó đã từng nói thế này, “đợi chờ không đáng sợ, đáng sợ nhất là không biết phải đợi chờ đến bao giờ”, ấy thế nhưng cô vẫn đợi, vẫn chờ, vẫn hy vọng về người nơi phương xa. Nhưng có lẽ chỉ người trong cuộc mới có thể thấu hiểu, mọi lý lẽ của chúng ta đâu có nghĩa lý gì trước tình yêu. Khi yêu ai chẳng khờ dại, mà khờ dại mới thực là tình yêu. Thôi thì cứ dại đi, cứ khờ đi, biết đâu rồi cuộc đời sẽ trao tặng người trái ngọt hoa thơ m…
Người bình: Hiền