Top 9 # Xuất Xứ Của Bài Thơ Đồng Chí Xem Nhiều Nhất, Mới Nhất 3/2023 # Top Trend | Anhngucongdong.com

Tìm Xuất Xứ Bài Thơ ‘Cảnh Khuya’ Của Bác Hồ

Tìm xuất xứ bài thơ ‘Cảnh khuya’ của Bác Hồ

(VH&ĐS) Tháng 12/2013, trở lại các tỉnh Việt Bắc để xác minh một số tài liệu và thu thập thêm tư liệu về Bác Hồ thời kỳ Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và thời kỳ Bác trở lại chiến khu Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Người ngồi đó với cây chì đỏ – vạch đường đi từng bước, từng giờ (thơ Tố Hữu).

Đến Việt Bắc không thể không đến ATK Định Hoá. Và, đến ATK Định Hoá, không thể không đến đồi Khau Tý – một di tích lịch sử văn hoá được bảo tồn nguyên vẹn. Mỗi lần đến là một lần xúc động.

Trên đường lên Chiến khu Việt Bắc (ATK) Bác Hồ và những đồng chí cùng đi đã đến xã Điểm Mặc, huyện Định Hóa ngày 20/5/1947, đúng như dự định. Tại đây những ngày đầu Bác ở bản Quyên, nhà Chủ tịch xã Ma Đình Trường, sau đó chuyển lên ở lán trên đồi Khau Tý, thôn Nà Tra. Đồi Khau Tý, tiếng địa phương gọi là đồi Cây Thị. Lán được dựng theo đúng với kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc Định Hóa, mái lợp lá cọ, sàn lát ván, vách dựng bằng liếp nứa. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng (được Bác Hồ đặt tên trong số 8 đồng chí) kể trong cuốn Những năm tháng bên Bác “Chúng tôi làm riêng cho Bác một cái “lầu”. Tầng trên để Bác ngủ và làm việc ban đêm, tầng dưới làm việc ban ngày, như vậy tránh được thú dữ và không khí ẩm thấp của núi rừng. Gọi là “lầu” nhưng thật ra nó bé lắm. Bác giao hẹn: Chiều cao có thể giơ tay với được, còn chiều ngang thì đưa tay sang phải sang trái vừa chạm đến, để tiện lấy các vật dùng treo trên vách. Bác bảo làm như vậy đỡ tốn công sức, dễ giữ bí mật. Trên sàn chỉ cần một chiếc bàn con để Bác ngồi làm việc, xem sách báo là đủ”.

Định Hóa được chọn làm trung tâm ATK vì đây là vùng địa hình núi non hiểm trở, địch không thể dùng xe cơ giới tấn công, mà ta thì lại sẵn các đường nhỏ xuyên rừng nối liền với các vùng Tây Bắc, vùng trung du, vùng đồng bằng. Năm 1906, nhà chí sĩ ái quốc Phan Bội Châu đã từ Quảng Châu (Trung Quốc) tìm về Định Hóa khảo sát, định xây dựng vùng này thành căn cứ địa chống Pháp.

Thu Đông 1947, thực dân Pháp tập trung binh lực, huy động hơn một vạn quân tinh nhuệ gồm cả Hải, Lục, Không quân mở một đợt tấn công quy mô, chia hai gọng kìm khép chặt Việt Bắc hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực và cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Trong vòng vây trùng điệp bốn bề của địch, Bác và Trung ương chỉ đạo sáng suốt các cơ quan và đơn vị bộ đội di chuyển và thực hiện phương châm vừa đánh vừa tránh địch ở các địa bàn Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang.

Một tối cuối thu đầu đông, Bác cho mời đồng chí Ma Đình Kháng – Chủ tịch huyện Định Hóa đến lán Bác ở. Hai Bác cháu chuyện trò trong lán dưới tán lá cổ thụ giữa những khóm hoa rừng, xa xa tiếng suối đổ đều đều từ phía chân đồi vọng lại. Bác hỏi đồng chí Kháng về việc vạch kế hoạch tác chiến của huyện khi địch đánh tới đây thì thế nào và Bác sẽ chuyển đi đâu. Đồng chí Kháng báo cáo đầy đủ, tỉ mỉ, chi tiết về kế hoạch đã được chuẩn bị chu đáo. Tận khuya, dưới ánh trăng vàng, Bác tiễn đồng chí Kháng ra về, trở lại giữa rừng khuya trăng sáng, vẻ trầm ngâm, hứng thơ đến với Bác.

Luật sư Phan Anh cũng cho biết: Trong những ngày cực kỳ gay go, khó khăn của những tháng, năm đầu ở Việt Bắc, Bác đã phân tích và chỉ rõ những thuận lợi và những khó khăn của ta và địch. Bác phán đoán những hoạt động của các cánh quân của Pháp, Bác vẽ trên đất về đường tiến, đường lui của địch và của ta và giảng giải cặn kẽ: Chúng bao vây ta với thế gọng kìm ta phải luồn ra ngoài gọng kìm ấy để không mắc vào tròng của chúng. Khi địch rút lui ta lại về chỗ cũ. Luật sư cũng kể lại: chính trong những ngày gay go ấy, sau hôm gặp Bác ở Tràng Xá, ông nhận được thư của Bác, kèm theo một đoạn thơ:

Đêm khuya nhân lúc quan hoài

Lên câu thơ thẩn chờ ai họa vần

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, gió lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Nước nhà đang gặp lúc gay go

Trăm việc ngàn công đều phải lo

Giúp đỡ anh em nên gắng sức

Sức nhiều thắng lợi lại càng to.

Từ sự kiện Bác trò chuyện với đồng chí Ma Đình Kháng và lời kể của luật sư Phan Anh cho ta biết được hoàn cảnh để có 10 câu thơ trên, giúp ta hiểu thêm Bác và thơ Bác. Mặc dù trong những giờ phút đương gặp lúc gay go với lo nỗi nước nhà, Bác vẫn có lúc quan hoài, vẫn có thơ, vẫn có nụ cười dí dỏm Lên câu thơ thẩn chờ ai họa vần.

Luật sư Phan Anh rất cảm động và xúc động khi đọc những câu thơ của Bác nên đã ứng tác họa vần:

Họa vần xin gửi cho ai

Đường xa sẻ tấm quan hoài nước non

Quanh quanh dòng suối cảnh đường xa

Trời có trăng và núi có hoa

Trăng sáng bao la trời đất nước

Hoa thơm phảng phất vị hương nhà

Nước nhà đang gặp bước gay go

Lái vững chèo dai ta chẳng lo

Vượt sóng, dựng buồm, ta lựa gió

Thuận chiều, ta mở cánh buồm to.

Sau này, năm 1967 Nxb Văn học làm sách Thơ – Hồ Chủ tịch, những người biên tập chỉ đưa bốn câu thơ với đầu đề Cảnh khuya:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Ở câu thứ hai của bài thơ bốn câu này chữ gió được thay bằng chữ bóng.

Quả là bốn câu thơ với đầu đề Cảnh khuya diễn đạt trọn vẹn một tứ thơ hay, độc đáo, bất ngờ. Có thể nói được rằng, bốn câu thơ trên hoàn toàn đủ các yếu tố, thành phần của một bài thơ tứ tuyệt hoàn chỉnh, hiểu và cảm nó trọn vẹn như những bài thơ tứ tuyệt khác vậy. Bài thơ Cảnh khuya giúp ta hiểu rõ vì sao đêm khuya Bác chưa ngủ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà, đồng thời hé mở một tâm hồn lớn, một bản lĩnh thi nhân tràn đầy sức sống và nhạy cảm trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Dù bề bộn đến đâu, trong lúc lo chăm công nghìn việc cho kháng chiến, cho dân, cho nước, Người vẫn dành một khoảng tâm hồn mình cho thiên nhiên thơ mộng cho trăng cho hoa – tâm hồn thi nhân của Người lúc nào cũng rộng mở vẫn không hề quên những việc nước, việc dân. Những cái mâu thuẫn tưởng như đối ngược lại thống nhất trong con người Bác, thật là kỳ diệu. Bài thơ đã đi vào các thế hệ bạn đọc và ở lại trong lòng bạn đọc cùng với thời gian năm tháng.

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà, Tấm quan hoài nước non của Bác là từ lán Bác ở và làm việc trên đồi Khau Tý. Đồi này, lán này vẫn được lưu giữ. Ai đã từng đặt chân đến lán Khau Tý không thể không ngước nhìn cây đa cổ thụ cao to xum xuê cành lá giữa những khóm hoa rừng không thể không xúc động nhất là khi nhìn cây dâm bụt Bác trồng từ năm 1947 vẫn xanh tươi, tràn trề sức sống. Trong tĩnh lặng, xa xa dưới chân đồi Khau Tý, dòng suối Nà Tra róc rách, róc rách chảy như tiếng hát xa. Nhà văn Hoàng Quảng Uyên khi đến thăm nơi này, đã rất xúc động, cảm xúc dâng trào, đột xuất có một mong muốn, một đề xuất: “Sáu mươi năm rồi, quá khứ hiện tại đan dệt. Trong mối liên tưởng đa chiều chợt dâng ước muốn nho nhỏ – giá chi dựng ở nơi đây một tấm bia đề bài thơ Cảnh khuya của Bác Hồ làm gần lại khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực và mơ, để du khách đến đây sẽ không chỉ được thăm nơi đầu tiên Bác Hồ ở khi trở lại chiến khu Việt Bắc mà còn thăm nơi đầu tiên của nhà thơ Hồ Chí Minh, nơi nhà thơ sáng tác bài Cảnh khuya trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, thả hồn ngẫm ngợi trong sự hòa quyện giữa lịch sử và thơ. Sáng trong và linh thiêng”(1).

Lê Xuân Đức

(1) Báo Văn nghệ số 03 ngày 20-1-2007.

Xuất Xứ Của Bài Thơ “Gửi Lời Chào Lớp Một”

Từ thập kỷ 80, bài thơ “Gửi lời chào lớp Một” đã được đưa vào sách giáo khoa và vẫn hiện hành với sách cải cách. Đã có những nhầm lẫn về xuất xứ bài thơ và cuối cùng cũng tìm ra xuất xứ tin cậy nhất. Xin tổng hợp các thông tin để chia sẻ với các bạn.

Bài thơ “Gửi lời chào lớp Một”

Lớp Một ơi! Lớp Một!

Gửi lời chào tiến bước!

Cố sẽ xa chúng em…

Cô sẽ luôn ở bên.

Lớp Một ơi! Lớp Một!

Gửi lời chào tiến bước!

Lời bình của nhà văn Phạm Khải

Nghi ngờ sách giáo khoa ghi sai tên tác giả

Ở SGK Tiếng Việt lớp 1 (tập 2) dưới bài thơ ghi tên tác giả là Hữu Tưởng. Người đưa nghi vấn đầu tiên về tác giả là nickname Tran Trung.

Trên trang cá nhân của mình, Tran Trung chia sẻ: “Internet thật là tuyệt! Nhờ nó mà tình cờ mình biết được bài thơ quen thuộc một thời Gửi lời chào lớp Một là lời bài hát trong bộ phim Liên Xô (cũ) Maruxia đi học, sản xuất năm 1948″.

Những độc giả khác truy tìm trên mạng thì thấy quả kịch bản của phim Maruxia đi học này có lời bài hát Nga tựa như bài thơ Gửi lời chào lớp Một trong SGK. Dòng trạng thái này của Tran Trung được nhiều bạn bè, cư dân mạng chia sẻ với nhiều câu hỏi.

Nickname Uyên Thảo Trần Lê cung cấp thêm thông tin: “Bài thơ này tôi nhớ học từ năm lớp 1 cách đây 50 năm, khi ấy người ta ghi là phỏng thơ”. Nickname Mai Anh cũng viết: “Bài này hồi mình học năm 1970 đã biết là của Nga mà”.

Qua tìm hiểu, được biết sau năm 1975, SGK lớp 1 có hai lần được sửa chữa. Lần chỉnh sửa thứ nhất là năm 1979, xuất bản năm 1981. Lần chỉnh lý thứ hai là năm 1989, xuất bản năm 1994. Sách Tiếng Việt lớp 1 được lưu hành hiện nay dựa trên bản chỉnh lý năm 1994.

Ý kiến các nhà làm sách giáo khoa

PGS.TS Đặng Thị Lanh, chủ biên của sách Tiếng Việt lớp 1 hiện hành, cho biết bản chỉnh lý sách Tiếng Việt lớp 1 năm 1994 dựa trên sách Tập đọc lớp 1 xuất bản năm 1981.

Lúc đó, sách vẫn đề tác giả bài thơ Gửi lời chào lớp Một là “theo Hữu Tưởng”. Còn với những bản gốc trước năm 1981, bà Lanh cho hay bà cũng không biết nên chưa có cơ hội đối chiếu.

“Tôi cũng không biết tác giả Hữu Tưởng là ai. Khi làm sách thì chúng tôi không thể gặp từng tác giả một. Chúng tôi chỉ trích lại theo nguồn (năm 1981) mà thôi” – bà Lanh nói.

Thạc sĩ Trần Mạnh Hưởng – người cùng tác giả Nguyễn Có được giao chỉnh lý sách Tiếng Việt lớp 1 năm 1989 – cũng xác nhận bài thơ Gửi lời chào lớp Một trong quyển Tiếng Việt lớp 1 hiện hành được trích lại từ sách Tập đọc lớp 1 năm 1981, ghi tác giả bài thơ là “theo Hữu Tưởng”, còn bản hiện hành để tên tác giả là Hữu Tưởng.

Theo ông Đào Duy Mẫn – nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, một đồng nghiệp cũ của ông Hữu Tưởng – thì ông Hữu Tưởng tên thật là Nguyễn Hữu Tưởng, nguyên viện phó Viện Khoa học – giáo dục trước đây, đã mất vào những năm 1980. Theo đánh giá của ông Mẫn thì tác giả Hữu Tưởng là một đồng nghiệp rất uy tín.

Như vậy, xung quanh tác giả bài thơ Gửi lời chào lớp Một đã có nhiều thông tin lẫn lộn – học sinh thuộc những năm 1970 cho biết bài thơ được phỏng theo một ca khúc Nga, học sinh từ năm 1981 đến nay hiểu là thơ của Hữu Tưởng.

Để giải quyết sự không rõ ràng này, chúng tôi Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Người làm sách cần phải tra cứu lại những bản sách trước sách Tập đọc năm 1981, xem lại bài thơ có giống như bài hát Nga đã nói không. Nếu có, cần phải chú thích lại cho rõ”.

Xuất xứ bài thơ theo tài liệu lâu nhất

Sau khi đọc bài viết “Gửi lời chào lớp Một: Thơ của ai?” (Tuổi Trẻ ngày 7/7/2015), ông Lê Khánh Hoài (bút danh Châu La Việt) đã nhận ngay ra đây là bản dịch của cha ông – nhà báo Lê Khánh Căn.

Tại Thư viện Quốc gia, ông Lê Khánh Hoài đã tìm thấy bản dịch truyện Ma-rút-xi-a đi học gồm hai tập do NXB Kim Đồng in năm 1959 với số lưu chiểu lần lượt là 6.379 và 6.511.

Ngay trang đầu tập truyện dịch (in lần đầu năm 1958), lời nhà xuất bản có ghi: “Xin giới thiệu với các em tập truyện Ma-rút-xi-a đi học của nhà văn Liên Xô E. Su-oác. Đây là một truyện rất quen biết của các em nhỏ Liên Xô, đã được quay thành phim lấy tên là Em nữ sinh lớp một… Lần tái bản này chúng tôi có lược bớt đi một số đoạn. Mong rằng sau này sẽ có dịp giới thiệu với các em toàn bộ cuốn truyện”.

Đáng chú ý là ở cuối tập hai của truyện có in toàn bộ bài thơ được dẫn dắt như sau:

“Toàn lớp hai “A” kéo ra đầy sân khấu. Các em hát: Lớp một ơi, lớp một!/Đón em vào năm trước;/Năm nay lên lớp hai,/Gửi lời chào tiến bước!/ Phấn, bảng, sổ gọi tên,/Theo chúng em cùng lên/Chúng em dần lớn mãi,/Bàn ghế cùng lớn thêm,/Chúng em chơi thân mật/Yêu thương cả mọi người,/Đứa bạn em yêu nhất/Cũng cùng lên lớp hai./Còn cô giáo thân mến/Cô sẽ xa chúng em?/Không, cô yêu chúng em/ Cô cũng lên lớp chứ./Thế là cùng vui vẻ,/Chúng em tiến bước đều,/Cùng cả trường cả lớp,/Cùng Tổ quốc thân yêu!…

Khánh Như trích dịch (theo bản Pháp văn Maroussia va à l’ecole của Nhà xuất bản Ngoại Văn Liên Xô)/ In 5.065c tại Nhà máy in Tiến Bộ – Hà Nội. Gửi lưu chiểu tháng 3-1959.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Khánh Hoài nói: “Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, bố tôi làm bí thư Đoàn Trường Khải Định ở Huế, sau đó cùng với bác Trần Hoàn đi theo kháng chiến. Năm 1956, bác Tố Hữu cử ông sang làm Sở Báo chí trung ương. Năm 1957 ông về làm báo Nhân Dân với bút danh Hồng Chuyên. Với vốn tiếng Pháp của mình, ông đã dịch tập truyện Ma- rút- xi-a đi học do NXB Kim Đồng ấn hành.”

“Theo tôi nhớ, bản in lần đầu năm 1958 có ghi Lê Khánh Căn dịch. Đáng tiếc bản này tôi không tìm thấy nữa. Đến lần tái bản 1959, ông lấy tên con gái út mà ông yêu quý là Khánh Như để đặt bút danh. Đây là bản Thư viện Quốc gia còn lưu. Như vậy từ năm 1958-1959 đã có Ma-rút-xi-a đi học này rồi. Đến năm 1971, tập truyện tiếp tục được NXB Kim Đồng tái bản và dồn lại thành một tập”.

Về câu chuyện dư luận đang quan tâm, ông Khánh Hoài giải thích: “Theo như tôi tìm hiểu qua các bản in bài thơ Gửi lời chào lớp Một trong sách giáo khoa lớp 1, lần đầu tiên phần tác giả được ghi là Hữu Tưởng (theo quyển Ma- rút- xi-a đi học), lần in thứ hai chỉ đề là Theo Hữu Tưởng, lần ba chỉ còn Hữu Tưởng – lúc đó ông Hữu Tưởng đã mất rồi. Không hiểu sao lại ghi như vậy? Trong khi lẽ ra bài thơ này chính xác nhất phải viết là: “Dựa theo truyện Ma-rút-xi-a đi học của nhà văn Liên Xô E. Su-oác (Evgeny Shvarts – cũng là tác giả kịch bản bộ phim “Nữ sinh lớp một” – PV), bản dịch của Khánh Như, NXB Kim Đồng – 1959″.

Bản gốc bài hát

LỜI CHÀO LỚP MỘT

Đây là bài hát rút từ đoạn kết kịch bản phim “Nữ sinh lớp một” (Первоклассница – Режиссёр Илья Фрэз, Союздетфильм, 1948) của nhà văn, nhà soạn kịch Nga Evghenhi Lvovich Shvarts (Евгений Львович Швaрц, 1896 – 1958), tác giả của những truyện cổ tích tân biên nổi tiếng như “Phép lạ đời thường”, “Cái bóng”, “Lọ lem”, “Giết rồng”… Năm 1949, Shvarts công bố kịch bản “Nữ sinh lớp một” như một truyện vừa.

BigSchool: Như vậy, dưới bài thơ ở sách giáo khoa nên ghi: Dựa theo truyện “Ma-rút-xi-a đi học” của nhà văn Liên Xô Evgeny Shvarts – cũng là tác giả kịch bản bộ phim “Nữ sinh lớp một”. Vì ông Hữu Tưởng đã mất nên không hiểu ông đọc bản dịch của Khánh Như, NXB Kim Đồng – 1959 hay ông đọc thẳng bản tiếng Nga hay tiếng Pháp? Dù là cải biên hay phóng tác theo lời bài hát đã có, tác giả Hữu Tưởng vẫn đáng để chúng ta ghi nhận công của ông. Với những tác giả giáo khoa thì đây cũng là điều cần chú ý khi đưa các tác phẩm vào sách của mình.

Các bạn có thể xem và nghe bài hát này ở phần kết của video:

Nguồn: Báo Tuổi trẻ và FB của TS. Đỗ Hải Phong

Suy Nghĩ Của Em Về Tình Đồng Chí Đồng Đội Trong Bài Thơ Đồng Chí Của Chính Hữu

Suy nghĩ của em về tình đồng chí đồng đội trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

Suy nghĩ của em về tình đồng chí đồng đội trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu. “Đồng chí” của Chính Hữu được sáng tác năm 1948 trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc đang diễn ra rất quyết liệt.Bài thơ giúp người đọc hiểu hơn về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ và tình đồng chí,đồng đội gắn bó keo sơn của họ .

Bài thơ mở đầu bằng những lời tâm tình của hai người bạn ,những câu thơ mộc mạc ,tự nhiên , mặn mà như một lời thăm hỏi quê quán cửa nhà:

Quê hương anh nước mặn đồng chua Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá .

Hai dòng thơ đủ giới thiệu với người đọc về hoàn cảnh xuất thân của hai người lính.Người thì ở vùng đồng bằng chiêm trũng “nước mặn đồng chua”,người ở vùng trung du bạc màu “đất cày lên sỏi đá”.Như vậy cả “quê anh” và “làng tôi” đều là những miền quê lam lũ,vất vả,đói nghèo.Từ những phương trời xa lạ,họ”chẳng hẹn” mà “quen nhau” bởi họ có cùng chung mục đích đánh đuổi thực dân Pháp giải phóng quê hương .Vào bộ đội họ kề vai sát cánh bên nhau ,cùng chia sẻ với nhau những gian lao thiếu thốn của cuộc đời quân ngũ :

Súng bên súng, đầu sát bên đầu Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ .

Cùng là những người nông dân nghèo mặc áo lính ,chung lý tưởng đánh đuổi thực dân Pháp giải phóng quê hương . Họ vào bộ đội , chung nhiệm vụ ,chung một chiến hào,cùng đắp chung một tấm chăn khi trời giá lạnh.Điều kỳ lạ là khi chiếc chăn chung đắp lại đó là lúc dòng tâm sự mở ra .Có lẽ vì vậy mà họ hiểu nhau, thân nhau và trở thành tri kỉ.Lúc đó “Đồng chí “mới vang lên ,như tình yêu thương được hình thành từ thử thách và gian khó ,bị dồn nén tận đáy lòng đến giờ bật dậy, đủ sức đứng riêng thành một câu thơ.Nhịp thơ thắt lại,chắc khoẻ ,mộc mạc ,giản dị mà thiêng liêng,cảm động.Ta chợt nhận ra ,lấp lánh đằng sau những câu thơ nói về gió, về rét, lặng lẽ cháy một ngọn lửa ấm nồng tình đồng đội … Và như vậy “đồng chí” vừa là cao trào cảm xúc được dồn tụ trong sáu câu thơ trước ,vừa mở ra những gì chứa đựng ở suy nghĩ tiếp sau :

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày Gian nhà không mặc kệ gió lung lay Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Đi dọc bài thơ là sự sóng đôi của hai hình tượng “anh” và “tôi”.Tình tri kỉ, tình đồng chí đựơc bắc qua sự sóng đôi có ý nghĩa bổ sung ấy .Vì vậy đến đây, khi tác giả chỉ nói một cảnh ngộ ,người đọc vẫn có ấn tượng chung cho cả hai.Mấy câu thơ nói về gia cảnh của người này hoá ra lại diễn đạt sâu sắc tình yêu thương lặng lẽ của người kia .Là nông dân ,với họ ruộng đất quí hơn vàng , vào bộ đội ,họ để lại đằng sau xóm làng ,đất đai,nhà cửa.”Mặc kệ “đấy mà sao lưu luyến thế ,đến cả giếng nước gốc đa cũng chợt có hồn,biết nhớ ,biết thương người nơi tiền tuyến . “Giếng nước gốc đa” hay chính là đôi mắt hẹn ngày về của người bạn gái, làm ấm lòng người lính phương xa ?Tất cả đều có thể ,bởi một chút nhung nhớ ấy cùng với ngôi nhà ,ruộng nương và xóm làng thân thuộc là động lực để vì nó mà anh chấp nhận bao nhiêu gian khổ :

Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi . Áo anh rách vai , Quần tôi có vài mảnh vá , Miệng cười buốt giá , Chân không giày .

Không một chút tô vẽ điểm trang ,Chính Hữu tái hiện cuộc sống thiểu thốn của cuộc đời quân ngũ bằng những chi tiết thành thực đến thương lòng : áo rách,quần vá,chân không giày, sao chống nổi những cơn sốt rét giữa rừng sâu ?! Trong hoàn cảnh ấy, người lính sẻ chia cho nhau tình yêu thương ở mức tột cùng “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay “. Một câu thơ thôi song nói được bao điều. Bàn tay tìm đến nhau như san sẻ cho nhau ,truyền cho nhau hơi ấm ,niềm tin và sức mạnh . “Anh – tôi “nhoà đi sau “miệng cười buốt giá” để niềm tin , niềm lạc quan ,sự bất chấp khó khăn gian khổ của người lính hiện lên .Chính Hữu đã rất tinh khi phát hiện ra nội lực tinh thần ẩn sâu trong trái tim người lính .Chính nó đã góp phần tạo nên chiều sâu cho tình đồng chí thầm lặng nhưng rất đỗi thiêng liêng này .

Những câu thơ cuối bài hoàn thiện một cách xuất sắc chân dung người lính mộc mạc mà khoẻ khoắn, can trường :

Đêm nay rừng hoang sương muối Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới Đầu súng trăng treo.

“Rừng hoang sương muối”. Lại là cái giá ,cái rét run người của thiên nhiên khắc nghiệt ,song thiên nhiên không thể nào can thiệp tới ý chí và tình cảm của người chiến sĩ .Bởi các anh đứng cạnh bên nhau, chở che, nương tựa vào nhau trong tư thế chủ động chờ giặc tới .Và hình ảnh thơ cuối cùng mới đẹp làm sao!ở một góc nhìn nghiêng,vầng trăng như treo trên đầu nòng súng giơ cao của người chiến sĩ . Hình ảnh súng và trăng trở thành biểu tượng cho sự kết hợp hài hoà giữa thực và mộng,giữa chất chiến đấu và chất trữ tình ,giữa tâm hồn chiến sĩ và tâm hồn thi sĩ. Giữa rừng đêm hoang lạnh ,hình ảnh ấy tạc vào đêm tạo thành bức tượng đài chiến sĩ vững vàng mà thơ mộng .

Bài thơ dừng lại khi đã hoàn thiện trong tâm khảm bạn đọc hình ảnh những người nông dân mặc áo lính chân thật mà ấm nồng tình đồng đội .Bởi thế bài thơ không chỉ là tác phẩm xuất sắc của Chính Hữu mà còn là thi phẩm xuất sắc nhất về người lính Cụ Hồ của thơ ca kháng chiến chống Pháp.

Phân Tích Tình Đồng Chí Qua Bài Thơ Đồng Chí Của Tác Giả Chính Hữu

Đồng chí là bài thơ viết về tình đồng đội, đồng chí trong chiến tranh. Em hãy phân tích tình đồng chí qua bài thơ ” Đồng chí “ của Chính Hữu để thấy được những biểu hiện cụ thể của mối quan hệ thiêng liêng này.

1. Mở bài

Giới thiệu bài thơ: Đọc bài thơ “Đồng chí”, ta thấy được một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng, cao đẹp xuyên suốt bài thơ. Đó là tình đồng chí, đồng đội, keo sơn gắn bó, bình dị mà sâu sắc.

2. Thân bài

– Cơ sở để hình thành nên tình đồng chí trong những năm tháng kháng chiến gian khổ:

+ Thứ nhất, tình đồng chí bắt nguồn từ sự tương đồng về cảnh ngộ xuất thân.

+ Cơ sở thứ hai để hình thành nên tình đồng chí là chung nhiệm vụ, lý tưởng chiến đấu. Đó là nhiệm vụ cùng sát cánh bên nhau để đánh đuổi kẻ thù giành lại độc lập cho Tổ quốc thân yêu

– Với nghệ thuật hoán dụ “súng – đầu” vừa có ý nghĩa tả thực, vừa có mang ý nghĩa tượng trưng: súng tượng trưng cho chiến đấu, đầu tượng trưng cho lý tưởng, như vậy,cùng chung mục đích, lý tưởng họ càng trở nên gần gũi nhau hơn.

– Người lính “chung chăn” là chung cái khắc nghiệt, khó khăn, nhất là chung hơi ấm để vượt qua giá lạnh, từ sự sẻ chia ấy, họ đã trở thành đôi tri kỉ.

– Trong những năm tháng khốn khó, gian lao ấy, tình đồng chí thiêng liêng, cao cả biết chừng nào, cùng chia sẻ tâm tư, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.

– Những người lính, họ thấu hiểu về cảnh ngộ và nỗi bận lòng của nhau. Gia cảnh neo người của người đồng đội: khi họ vào lính phải gửi bạn, gian nhà không, không người chăm chút.

– “Mặc kệ”đã thể hiện thái độ kiên quyết, dứt khoát ra đi đồng thời thể hiện sự hi sinh cao cả của các anh.

– Rét buốt, lạnh lẽo là vậy nhưng người lính vẫn hiện lên với một tư thế thật đẹp: “chờ giặc tới”. Đó là tư thế chủ động chờ giặc với một tâm hồn ung dung và thanh thản đến lạ kì.

– Đặt súng cạnh trăng, ta thấy dường như nó nói lên ý nghĩa của cuộc chiến: người lính cầm súng để bảo vệ hòa bình. Súng là chiến sĩ, là thực tại, còn trăng là thi sĩ, là mơ mộng, tất cả bổ sung, hài hòa cho nhau như tâm hồn người lính Cách mạng.

3. Kết bài

Bài thơ “Đồng chí” là một bài thơ độc đáo viết về những người nông dân mặc áo lính. Bài thơ còn là một tượng đài chiến sĩ cao cả, thiêng liêng.

II. Bài tham khảo cho đề phân tích bài thơ Đồng chí

Đọc bài thơ “Đồng chí”, ta thấy được một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng, cao đẹp xuyên suốt bài thơ. Đó là tình đồng chí, đồng đội, keo sơn gắn bó, bình dị mà sâu sắc.

Trước hết, “Đồng chí” cho người đọc thấy được những cơ sở để hình thành nên tình đồng chí trong những năm tháng kháng chiến gian khổ. Thứ nhất, tình đồng chí bắt nguồn từ sự tương đồng về cảnh ngộ xuất thân.

“Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,”

Anh với tôi đều là những người lính ra đi từ những miền quê nghèo, lam lũ: anh ở nơi “nước mặn đồng chua”, còn tôi ở nơi “đất cày lên sỏi đá”, tất cả đều là những vùng miền khó khăn. Việc tác giả sử dụng thành ngữ giúp người đọc hình dung đó là những miền quê nghèo khó, cùng với nghệ thuật đối đã diễn tả sự tương đồng về cảnh ngộ xuất thân, cả hai cùng chung cái nghèo. Chính điều đó đã khiến họ từ mọi phương trời xa lạ, tập hợp lại trong hàng ngũ quân đội và trở nên thân quen nhau hơn. Cơ sở thứ hai để hình thành nên tình đồng chí là chung nhiệm vụ, lý tưởng chiến đấu. Đó là nhiệm vụ cùng sát cánh bên nhau để đánh đuổi kẻ thù giành lại độc lập cho Tổ quốc thân yêu.

“Súng bên súng, đầu sát bên đầu,

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”.

Với nghệ thuật hoán dụ “súng – đầu” vừa có ý nghĩa tả thực, vừa có mang ý nghĩa tượng trưng: súng tượng trưng cho chiến đấu, đầu tượng trưng cho lý tưởng, như vậy,cùng chung mục đích, lý tưởng họ càng trở nên gần gũi nhau hơn. Bên cạnh đó còn nghệ thuật điệp ngữ “súng, đầu, bên” diễn tả sự sát cánh bên nhau của các anh bộ đội. Và cơ sở thứ ba để hình thành tình đồng chí đó là cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, cùng chung cái khó khăn của cuộc đời người lính. Đêm núi rừng Việt Bắc rất lạnh, người lính lại thiếu thốn đủ thứ nên họ phải đắp chung một chiếc chăn. Người lính “chung chăn” là chung cái khắc nghiệt, khó khăn, nhất là chung hơi ấm để vượt qua giá lạnh, từ sự sẻ chia ấy, họ đã trở thành đôi tri kỉ. Và cái quan trọng nhất chính là câu thơ cuối khổ “Đồng chí!”. Đây là một câu đặc biệt, nó như một nốt nhấn của bản đàn, vang lên như một phát hiện, một tiếng gọi thiết tha, xúc động từ trong tim, đồng thời như một tấm bản lề khép mở hai phần của bài thơ.

Và trong những năm tháng khốn khó, gian lao ấy, tình đồng chí thiêng liêng, cao cả biết chừng nào, cùng chia sẻ tâm tư, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.”

Những người lính, họ thấu hiểu về cảnh ngộ và nỗi bận lòng của nhau. Gia cảnh neo người của người đồng đội: khi họ vào lính phải gửi bạn, gian nhà không, không người chăm chút. Ta thấy hình ảnh gian nhà không và gió lung lay không chỉ gợi cái nghèo xơ xác mà còn thể hiện cái trống vắng, hoang lạnh khi vắng đi bàn tay chăm chút của người đồng đội. Thấu hiểu ý chí lên đường, cuộc tình yêu nước khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng hi sinh hạnh phúc riêng tư. “Mặc kệ”đã thể hiện thái độ kiên quyết, dứt khoát ra đi đồng thời thể hiện sự hi sinh cao cả của các anh. Thấu hiểu nỗi nhớ quê hương da diết: nghệ thuật nhân hóa, hoán dụ tượng trưng cho không gian làng quê, ẩn dụ chỉ chỉ những con người nơi quê nhà. Tiếp theo là bảy câu thơ sau:

“Anh với tôi biết ừng cơn ớn lạnh

Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.”

Từng trải qua sự hành hạ của những cơn sốt rét rừng, cùng quan tâm lo lắng đến nhau, hơn nữa là sự thiếu thôn quân trang, quân bị. Với nghệ thuật liệt kê, hình ảnh thơ chân thực, không tô vẽ đã diễn tả những khó khăn chồng chất và thể hiện sự sẻ chia những khó khăn, gian khổ. Gian khó là vậy nhưng tình đồng chí vẫn sáng ngời với câu thơ cuối khổ hai. Ta thấy đố không phải cái nắm tay thông thường mà là cái nắm tay thắm tình đồng chí, đồng đội. Trong cái nắm tay không lời kia, dường như bao buốt giá bỗng tan, bao cơn sốt rét bỗng ngừng, bao nhiêu hơi ấm như lan tỏa.

Cuối cùng là biểu tượng cao đẹp nhất của tình đồng chí, một bức tranh đẹp thắm tình đồng đội.

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo”.

Bức tranh đẹp ấy nó được hiện lên trên nền thời gian và không gian cụ thể. Thời gian là đêm nay, đêm trước một trận đánh lớn, còn không gian là rừng hoang sương muối, sương muối làm chân các anh lính tê cứng lại đến nỗi mất cảm giác. Dường như thời gian và không gian ấy đã tái hiện không khí căng thẳng, lúc này người lính phải đối mặt với những mất mát, hi sinh khó tránh khỏi. Rét buốt, lạnh lẽo là vậy nhưng người lính vẫn hiện lên với một tư thế thật đẹp: “chờ giặc tới”. Đó là tư thế chủ động chờ giặc với một tâm hồn ung dung và thanh thản đến lạ kì. Trong giây phút đầy cam go ấy, giữa sự sống và cái chết rất mong manh, họ vẫn thưởng thức vẻ đẹp của vầng trăng. Chính tình đồng chí, đồng đội là sức mạnh vững chãi để họ ” đứng cạnh bên nhau”, giúp họ vượt lên thực tế gian khổ của cuộc chiến, họ vẫn luôn kề vai sát cánh bên nhau. Và hơn hết là biểu tượng cao đẹp về cuộc đời người lính, với câu thơ cuối cùng, ta vừa thấy được hình ảnh thực được nhận ra từ những hành quân phục kích giặc nhưng cũng vừa thấy được hình ảnh tượng trưng: súng là biểu tượng của chiến tranh, trăng là biểu tượng của hòa bình. Đặt súng cạnh trăng, ta thấy dường như nó nói lên ý nghĩa của cuộc chiến: người lính cầm súng để bảo vệ hòa bình. Súng là chiến sĩ, là thực tại, còn trăng là thi sĩ, là mơ mộng, tất cả bổ sung, hài hòa cho nhau như tâm hồn người lính Cách mạng.

Bài thơ “Đồng chí” là một bài thơ độc đáo viết về những người nông dân mặc áo lính. Bài thơ còn là một tượng đài chiến sĩ cao cả, thiêng liêng.